Ấp tập viết

_hONG_aHN_

Gà cận
Tham gia
26/10/21
Bài viết
307
Gạo
48,0
Re: Ấp tập viết
Ôi con mẹ :)))) Trời mẹ không nghĩ chạc là trạc luôn trồi :))))) Cảm ơn người đẹp nhé, trời mẹ :)))) Trước giờ tui dùng từ "chạc" hoài luôn trời :)))))) Sốc :)))))))
Nu nu nu ~~~ Người sẽ không giống Kẻ Thu Lượm, tại Kẻ Thu Lượm chọn cuộc sống đó, nên gã có cuộc sống đó, với gã thế là vui vẻ. Còn người dẩy đầm trên đủ thể loại cơ mà, lại còn thích thử thách bản thân :>>> Khác chớ ~~~~
Hà hà, hoá ra bà nghĩ về tui như thế à. Đấy là bà chỉ thấy vẻ giả trân của tui trên Gác với trên face thui, chứ ngoài đời tui điên lắm. Chẳng kết bạn với đứa nào được lâu, không mình chuyển trường thì nó chuyển trường => chẳng có đứa nào gọi mỹ miều được là BFF => có hội nhóm, event gì thì toàn bị kick ra rìa từ lúc chưa họp chợ => giống Kẻ Thu Lượm. Kiểu thế đó bà. :|
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Hà hà, hoá ra bà nghĩ về tui như thế à. Đấy là bà chỉ thấy vẻ giả trân của tui trên Gác với trên face thui, chứ ngoài đời tui điên lắm. Chẳng kết bạn với đứa nào được lâu, không mình chuyển trường thì nó chuyển trường => chẳng có đứa nào gọi mỹ miều được là BFF => có hội nhóm, event gì thì toàn bị kick ra rìa từ lúc chưa họp chợ => giống Kẻ Thu Lượm. Kiểu thế đó bà. :|
Ui, vậy ấy hả :<<<< Thế chắc bồ buồn lắm :<<< *ôm ôm, thương thương * Nói chứ không hiểu sao hồi trước, hồi lớp 1 tui chơi với một bạn này vui lắm, được một hai hôm rồi bạn ý biến mất. Biến mất kiểu không một vết tích và thông báo nào luôn ấy :D Mãi sau tui mới hiểu là bạn chuyển trường mà không nói. Thế thì buồn, mình sẽ cảm giác mình là người bị bỏ rơi và không ai cần mình cả.

Không dám hứa hẹn, cơ mà tui thấy người ở trên này cũng "điên" lắm, dẩy sung lắm luôn, quan tâm người khác nè, có quan điểm riêng nữa nè :)))) có thể một lúc nào đó người sẽ tìm thấy BFF của người, một người sẽ "kéo người vào dòng sống" và người sẽ làm những điều người muốn làm mà không bị cản trở (không như Kẻ Thu Lượm, có người kéo hắn cũng chối đây đẩy á :)))) ). Chắc chắn là thế vì tui cảm thấy người xứng với điều đó, người cũng mong chờ điều đó nữa. Đợi xíu đi he, niềm vui thì thường tới trễ mà :)))) Chả hiểu sao con quễ "bạn thân" này tới thường trễ thế không biết nhỉ :)))))) Nhưng mà chắc chắn là sẽ tới nha :>>>> Xin lót dép ngồi cùng người chờ BFF mà người mong đợi :>>>>
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
"Ai mà không tiếc
Ai mà không thiết xác thân này
Chỉ xin ai chớ thêm vào niềm nhớ những đắng cay"
(Mẹ chẳng có gì, Kiên)

“Em có biết làm thế nào để không bao giờ mất đi những ký ức không?”

“Em sẽ ghi lại nó.”

Anh lắc đầu ngồi ở bậc tam cấp, nghếch ra phía ngoài sân.

“Em sẽ học thuộc lòng nó, nhẩm đi nhẩm lại giống học thuộc công thức vậy.”

Tiếng anh cười khúc khích. Tôi thấy anh động người, khẽ khàng quay đầu nhìn sâu vào mắt tôi.

“Hãy gieo hạnh phúc em từng có.” Giọng anh đều đều. “Trên những miền đất khác.” Những hạt hoa sữa bất ngờ thổi miên trên tầng không. “Một ngày nào đó, rồi em sẽ thấy.” Anh ngẩng đầu và hếch mũi chạm lên một hạt hoa rơi chậm xuống dưới sân nhà. “Ừ, phải, em sẽ thấy ký ức, chúng lấp lánh ở bất kỳ đâu, bất cứ nơi nào mà em mong muốn trông thấy chúng thêm lần nữa.”

Áng chiều ngả tím sau bóng lưng anh. Một hạt hoa sữa đậu trên mái đầu. Tôi ngơ ngác nhìn, cố đoán hiểu anh muốn nói gì. Nhưng chẳng bao giờ, chẳng bao giờ tôi bắt kịp, kể một giây, một khắc nào.

“Ký ức khi ấy em sẽ nhớ mãi, nhưng không phải đi theo với nuối tiếc và đau lòng.”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Nhà ông Nghiêm nằm gần cuối ngõ. Kiểu nhà cấp 4 ngày xưa: mặt sân thấp hơn mặt đường chừng mười đến hai mươi xăng ti. Cổng sắt nhỏ hẹp, hơi khó qua cho người cao hơn mét tám. Phía trên cổng là một bệ đá lớn. Ông khéo trồng thêm giống thài lài tía mọc lòa xòa, nhánh lá thả ngang song cổng. Mỗi lần lén nhìn vào sân trong, tôi luôn trông thấy các thùng xốp xanh mơn mởn được xếp gọn gàng. Bao giờ lúc ngang qua nhà ông, trang bìa cuốn truyện “Khu vườn bí mật” sẽ nảy số nhanh ngay trong đầu. Tôi thường mường tượng mình sẽ trèo vào cổng sắt cũ đã han gỉ kia, nhảy vào trong sân nhà, lén lút dán mắt qua ô cửa sổ tầm thấp nằm trái cửa ra vào. Chờ đợi tôi ở đó sẽ là một một thế giới khác, một diện mạo kỳ bí nào đó mà ông đang giấu giếm với thế giới bên ngoài.

Chắc chắn là vậy.

Ông Nghiêm chừng 75, hoặc hơn một chút. Vóc dáng cao lớn và bệ vệ. Tôi vẫn thường ví ông với một chú gấu nâu lớn, sống trong rừng. Hoặc giả ai kể chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”, tôi sẽ hình dung về ông ngay khi nghe tới đoạn có bác thợ săn. Ông vẫn hay mặc áo dạ dáng dài màu xanh đen hoặc nâu đậm, mẹ thường gọi là kiểu măng tô. Mùa hè thì chưa bao giờ tôi thấy ông ở trần, hay mặc may ô, ông lúc nào cũng chọn sơ mi - kiểu sơ mi sọc dọc, cài cúc cao đến tận trên cùng. Theo tôi suy đoán thì hẳn ông đang che giấu một hình xăm bí mật của tổ chức siêu nhiên nào đó, mà hiện tại tôi vẫn chưa khám phá ra.

Ông có gương mặt điềm đạm. Tuy thế với những đứa nít nhỏ hơn tôi, vẻ ít cười của ông lại thiên về tính “dữ” nhiều hơn. Trên gương mặt với làn da xệ, kéo ép những nếp nhăn, rám đồi mồi và chiếc mụn ruồi lớn dưới mắt trái quả trông có phần tợn. Một vẻ tợn rất lạnh. Với đánh giá của tôi - người sẽ thuộc thế hệ kế tiếp tham gia vào tổ chức bí mật của ông, tôi cho rằng, vẻ ngoài đó hoàn toàn là một lợi thế khi đối diện chiến đấu với kẻ thù.

Ông Nghiêm vẫn thường đi đi về về suốt trên một chiếc xe đạ đời cổ. Kiểu xe có yên cao bằng tầm ghi đông, thanh chắn ngang, không rổ, kèm một chiếc gác-ba-ga phía sau. Có một dạo, tôi còn nghe thấy “tín hiệu” khi ông gọi ông Ân đầu xóm.

- Ông Ân! Ông Ân ơi!

Con chó vện vàng trong sân nằm chả buồn ừ hử. Tôi hiểu nó hẳn đã biết mối quan hệ bí mật của ông Ân và ông Nghiêm.

- Xuống lấy thư này.

Và ngay lập tức, bóng ông Ân sẽ lấp ló từ phía trong nhà.

Thời buổi này chẳng mấy ai còn dùng điện tín kiểu ấy. Hơn cả, các nhà đều đã lắp chuông cơ mà? Mẹ tôi kể sau khi ông Nghiêm nghỉ hưu bên trường làng, có một thời gian ông làm việc trên bưu điện, nên thói gọi thư trước cổng ông vẫn quen dùng tới bây giờ. Đây là một thông tin quan trọng với tôi. Có thể thấy rõ ràng căn cứ tổ chức bí mật của ông chỉ có thể khoanh vùng trong phạm vi “trường làng” hoặc “bưu điện thành phố”.

Rất tiếc tôi không có nhiều kết quả theo dõi khi phương tiện đi lại của tôi là hai cẳng chân, còn của ông thì hai bánh. Nhưng tôi cũng không vội vàng làm gì, tôi còn trẻ, chắc chắn có một ngày tôi sẽ tìm ra tổ chức ấy và đầu quân trở thành đồng nghiệp của ông.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Trước ngày hạ sinh lứa đầu tiên, Ong Chúa Tơ đột nhiên náo loạn. Tưởng chừng chỉ là vì khó chịu trong người, nhưng sự vụ lớn tới nỗi đội trưởng đàn ong thợ phương Bắc, bà ong thông thái nhất đàn, phải vời tới cha ruột Ong Chúa Tơ. Nói là “vời”, nhưng ai cũng hiểu thực chất là áp giải. Lão vốn được giữ chỉ để phòng hờ thời khắc này. Ong Chúa đời trước đáng lý cũng bị lôi vào cuộc, nhưng nghe đâu, bà ta đã chết trước khi toàn bộ mọi chuyện xảy ra. Tám đội trưởng đội ong thợ khác cũng ngay lập tức được triệu tới ô mũ chúa. Toàn bộ lộ trình kiếm mật trong ngày đều hủy bỏ.

“Ôi Nữ Vương, trời ơi Nữ Vương con ta ơi, Người hãy hiểu, Người là tim, là gan của chúng ta. Nếu Người chẳng may chết đi chúng ta phải sống sót thế nào đây?” Kiểu ăn nói bợ đỡ từ mấy lão ong đực đúng là chưa bao giờ thay đổi.

Lũ ong thợ từ tổ cũ nháo nhào áp sát râu qua tường mật ô mũ chúa lắng nghe.

“Xin Nữ Vương thay đổi quyết định. Nếu không, thần không dám đảm bảo hôm nay Người có thể ra khỏi nơi này toàn thây.”

“Thần cũng xin Nữ Vương hãy nghĩ lại. Người không thể làm như vậy. Chúng thần thật sự chưa bao giờ có ý tổn hại người.”

“Chưa bao giờ?” Đám ong dán chặt vào tường mũ. Đó là giọng của Ong Chúa Tơ.

“Ngài không thể làm như thế thưa Nữ Vương. Thứ nhất, về tình, chúng tôi cần Ngài.” Giọng bà đội trưởng phía Bắc chậm rãi. “Đây là yếu tố tiên quyết. Ngài là quan trọng với chúng tôi. Chúng tôi đã thề, chỉ cần Ngài còn sống, tổ còn sống, chúng tôi có thể sẵn sàng liều chết. Chính sự tận trung này đã giữ tổ ta đến hàng ngàn đời nay. Không phải ngài không rõ.” Bà ngừng lại. “Chúng tôi hoàn toàn khẳng định, chúng tôi, không có ý nào muốn tổn hại tới Ngài. Nếu có, người thiệt là chúng tôi, không phải Ngài.”

“Thứ hai, về lý mà nói, bổn phận của Ngài là sinh đẻ. Bổn phận của chúng tôi là cung phụng Ngài. Đây là cách mà chúng ta sống được. Nếu không có sự phân chia này, tổ sẽ không thể tồn tại. Khi chúng tôi chọn Ngài, cho Ngài được sinh ra với toàn bộ lợi thế, chúng tôi kỳ vọng ở Ngài những đức tính Ngài nên có, chứ không phải ích kỷ, vô tâm, vô trách nhiệm như thế này. Người ta vẫn nói chúng ta là những kẻ kỷ luật cần mẫn. Tôi lấy làm thất vọng khi người xử sự như thế, trong khi chúng tôi luôn hết lòng vì Ngài.”

“Vì ta?” Ong Chúa Tơ cất tiếng cười khẩy. “Bà biết gì không, bà chưa bao giờ nói về tình được cả. Chưa bao giờ. Và cũng sẽ không bao giờ. Cái thứ tình cảm đó của bà, tôi không cần!”

“Ôi con gái của ta, sao con lại nói như thế. Tất cả vì con chứ còn vì ai. Con hãy nhìn những lão ong như ta, con nên thấy hài lòng với những gì mình đang có. Hãy nghĩ cảm nhận của ta nếu không có con, ôi con gái của ta, đừng làm lũ ong thợ tức giận. Rồi con sẽ quen, con sẽ ổn cả thôi.”

“Ngài đã có tất cả, có cơ hội có con, có cơ hội ăn sung mặc sướng. Ngài hưởng lợi trên chúng tôi chứ không phải ngược lại.”

“Bốn mươi ong thợ trong bầy đã nuôi sống Ngài. Chúng tôi đã hy sinh cơ hội của mình để chọn Ngài. Toàn bộ bầy ở đây, đều là anh chị em của Ngài, đều cố gắng chiều lòng và cung phụng Ngài. Tôi không thể tìm ra lý do Ngài cho rằng không ai quan tâm Ngài. Thức uống của Ngài, đồ ăn của Ngài, nơi ở của Ngài. Tôi không kể công, nhưng đó là chúng tôi làm. Vâng, là chúng tôi làm. Cuối cùng, tôi không nghĩ Ngài lại phủi bỏ quan hệ tình cảm mật thiết với chúng tôi kiểu này đấy, thưa Nữ Vương.”

“Đừng dối trá! Ta chẳng hiểu gì sất cái loại tình cảm của lũ nhà ngươi. Ta chẳng hiểu gì hết! Ta không muốn nghe! Cút ra ngoài! Cút ra ngoài hết cả đi!”

“Tất cả chỉ là trao đổi mà thôi. Bà cần thân thể ta, chứ cần gì ta? Vì ta có lợi ích, nên mới đối xử với ta như thế. Lợi ích! “Quan hệ tình cảm mật thiết”? Bà không thấy xấu hổ khi nói điều ấy à? “Sự sống” ư? Nên biết hài lòng ư? Hay tất cả vốn chỉ là sự sắp đặt của một món hàng hời với giá phải chăng?”

“Còn lão, tôi nghĩ với từng ấy tháng lão sống, lão hẳn hiểu cuộc đời của Ong Chúa đời trước, và hẳn hiểu những gì tôi nói. Đừng có bịt tai, bịt mắt giả câm, giả điếc. Lão là người sinh ra tôi, nhưng nếu lão muốn lấy lại, tôi cũng không tiếc đâu.”

“Xin Nữ Vương cẩn thận lời nói!”

“Xin Nữ Vương cẩn thận lời nói!”

“Xin Nữ Vương cẩn thận lời nói!”

“Các ngươi…!”

“Vậy, nếu như ý Ngài đã vậy, tôi muốn hỏi, theo Ngài thì chúng ta nên thế nào?”

Đám Ong Thợ bên ngoài vẫn dán sát vào tường. Nhưng lần này chúng chẳng nghe thấy gì cả. Tiếng hít thở của bọn chúng phập phồng trong không gian tĩnh mịch.

“Ta chưa có cách…”

“Ha? Và Ngài chọn bỏ đi?” Tiếng cười giễu cợt từ bà Ong Thợ phương Bắc.

“Ôi Nữ Vương, con gái ta, con điên rồi. Con sao có thể nghĩ tới chuyện rời đàn? Con đi rồi thì ta phải sống làm sao?”

“Ngài chỉ đang đâm đầu vào cửa kính thôi. Đừng ngây thơ nữa Nữ Vương. Ngài chưa có cách thì tốt nhất nên ở trong tổ, tiếp tục phận sự, trách nhiệm của Ngài, rồi khi nghĩ ra cách, tôi chắc chắn sẽ vuốt râu cẩn thận mà lắng nghe.”

“Ta sẽ đi tìm! Ta sẽ tìm ra cách. Chúng không nhanh, nhưng ta sẽ bắt tay vào tìm!”

“Ngài sẽ chết sớm thôi. Như Ngài nói, mối quan hệ của chúng ta là lợi ích. Khi Ngài rời khỏi chúng tôi, đồng nghĩa Ngài sẽ chết. Và tôi nhắc Ngài nhớ, chúng tôi có thể tự tạo được Ong Chúa mới. Tất nhiên, ít nhiều sẽ tốn thời gian. Tôi nghĩ một thỏa thuận đôi bên hợp lý nên được cân nhắc tới. Tôi tin, ý định của Ngài không phải là giết toàn bộ chúng tôi. Kiểu gì Ngài cũng sẽ hạ sinh lứa trứng đầu tiên. Từ giờ cho tới lúc đó, chúng tôi cho Ngài một cơ hội cuối cùng. Đừng ương bướng nữa bà chúa hai tháng tuổi ạ. Hãy tỉnh táo mà đưa ra quyết định của mình.”

Cùng lúc ấy, mũ chúa mở ra. Tiếng bà ong thợ Phương Bắc dõng dạc vang khắp các lỗ tổ thông nhau.

“Từ giờ tới lúc Nữ Vương hạ sinh, không một ai chưa có lệnh của ta được bén mảng tới mũ ong chúa. Ong Chúa Tơ đã mắc căn bệnh truyền nhiễm, cần phải cách ly. Mọi sinh hoạt hàng ngày sẽ cắt giảm tuyệt đối. Trong vòng tháng tới, chúng ta sẽ tiếp tục xây mũ chúa dự phòng. Tất cả nghe lệnh! Rõ chưa?”

“Rõ!”

*
“Con chẳng rõ con thích gì. Nhưng chắc chắn một điều, con không thích cuộc sống đó Người ạ. Đó là thứ duy nhất con có thể biết. Cho đến bây giờ, phải, cho đến bây giờ. Con nghĩ con vẫn không tìm ra cách nào để thỏa mãn toàn bộ những điều con mong muốn. Sớm thôi thì con sẽ không thở nữa. Con còn chết sớm hơn mẹ con, hay bất kì một ong chúa nào khác trên đời. Tệ quá Người nhỉ? Cách làm của con liệu có cực đoan quá không? Người sẽ mang con xuống địa ngục hay trên thiên đường hả Người? Người sẽ cho điều con làm là tội lỗi chứ?

Con chẳng biết. Giờ con chỉ thấy thật khó thở.

Đáng lý con nghĩ mình sẽ tuyệt vọng và tiếc nuối, khi cuối cùng, con còn không thể chứng minh được mình đúng và làm gì “nên hồn”. Như lời bà ấy nói. Tệ thế đấy, toàn bộ đều hệt lời bà ấy nói. Có chăng con đã được sống trên đồng nội thay vì ô mũ chúa? Đáng thương quá khi phải tự an ủi thế người nhỉ?

Ấy mà, lạ kỳ thật! Con lại không thấy mình phiền muộn như dự liệu? Tại sao lại thế? Ký ức con đang hiện về này Người. Có phải ân điển của Người đó chăng? Cánh đồng hoa và vùng đồi xa. Hừng đông trên đồng nội. Con đang ngủ trên một nhị hoa khép cành. Chúng rõ mồn một Người ạ. Cứ như đang được sống lại ngàn lần. Chúng lặp đi lặp lại. Đẹp quá. Trông con thật đẹp. Con thích cái nắng vào tháng bảy lắm. Và cả bông hoa đã cho con ở nhờ. Con đang cười kìa, Người thấy chứ? Hình như chẳng cần Người phán quyết vào tương lai, con đã ở nơi thiên đường, một thiên đường mà con tạo ra. Phải chăng người ta sẽ hạnh phúc khi nhớ rằng người ta đã sống thế nào, thay vì nhớ tới thứ người ta sống mà chiếm hữu được?

Chắc phần nào con đã thành công Người nhỉ? Khi con cố gắng để tìm lối đi riêng con?

Phải… không… Người?"


***

Lúc Kẻ Thu Lượm tới thì con ong đã chết rồi. Gã không biết gì hơn ngoài cái thân xác co quắp kiến bâu đầy của nó. Người không nói gì nhiều, chỉ bảo gã nhanh chóng lưu hồn và xác của con ong chúa đã chết. Gã nhìn thật kỹ, nhưng con ong trông không khác gì về tưởng tượng của gã về một con côn trùng. Có điều nó to hơn, chừng đến hai đốt ngón tay. Cánh nó ngắn ngủn, sáu cái chân xương xương khúc khuỷu, hai con mắt to cộ vẫn mở. Phần thân lông lá và phần bụng có vằn đen xen vàng.

Lá bài nhanh chóng chạy dòng chữ dòng chú thích khi công việc của gã hoàn tất:

“Ong chúa - tự cắt bỏ tuyến nước bọt, rời đàn vào mùa xuân 2004.”

Thực ra ban đầu cái kết sẽ là Ong Chúa Tơ đạt được điều gì đó mà nó mong. Không thiết phải là cấu trúc của cả tổ ong thay đổi (tất nhiên là nếu có :))) thì bạn viết sẽ chết :)))))) Không ngờ là kết cấu tổ không khác gì một thể chế, việc thay đổi thân phận, quyền hạn, chẳng khác gì đổi từ tư bản quý tộc sang XHCN :)))) Mà mình thì lại chả phải tay viết văn học cách mạng :)))) Thế là kẹt :)))).

Mà chỉ đơn giản là việc có sự thấu cảm từ xung quanh, mọi người có thể đưa ra một kết luận vừa lòng đôi bên. Hai bên cùng xây dựng ý kiến nào đó, hướng tương lai thay vì đứng đối đầu nhau và cãi cọ kiểu đấu đá mệt đầu. Cơ mà kẹt dăm ngày :))))))))))) Nói trắng ra thì là lười :)))))))) Nên nhắm mắt làm một cái kết "không đẹp-kiểu-đẹp" để nhảy hố mới.

Nếu có ý tưởng, hứa hẹn sẽ thay đổi đời em nó. Ôi ai đi qua đọc cái này mà nghĩ tôi cách làm thì tui xin :)))) Bí ẻ :)))))
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
“Tôi ước sẽ nhớ Người tới hàng vạn năm.”


***


Lão gác cổng khu di tích lại trông thấy con mèo nhị thể đủng đỉnh phía bên ngoài rào chắn. Lão nở một nụ cười móm mém, mở lối cho nó đường hoàng bước vào.


  • Răng? Anh mèo đi sớm rứa hẩy? - Lão hỏi đùa khi cúi người vuốt tai nó.

Con mèo hoang vốn lang thang quanh quẩn chốn này miên. Bắt đầu từ khi nào thì lão không sao đích xác được: tự lúc lão vào trực đã thấy nó có mặt ở khu di tích này rồi. Lão Huyên, lão gác ca chiều cũng trả lời mơ hồ. Cái lão ấy, vào làm sớm hơn lão tận mấy năm trời mà còn chẳng nói được, kể chi tới lão. Con mèo cũng khá nổi tiếng, được săn đón như “gương mặt” của khu di tích. Thường người tham quan vẫn kiếm nó để chụp ảnh suốt. Ấy thế, nó có vẻ không hào hứng, hay phấn khích gì tới chuyện nổi tiếng - một vẻ kiêu kỳ thường thấy của loài mèo. Đôi khi lão thấy nó đi dọc hành lang, ngồi im trước cửa cổng ra vào bên trái, thể như chờ đợi. Lão đoán hẳn nó đang cần người tới gãi cho đỡ ngứa cằm nên mới thế. Còn vốn thường, con mèo vẫn hay nằm trên mái ngói khu hậu viện, ít khi nào di chuyển chỗ khác.


  • Anh ăn gì chửa mà qua? Hử?

Con mèo vẫn liếm chải lông ở bàn chân phải, chẳng buồn trả lời. Nó kéo một bên chân lên trên đầu xoa xoa phần tai, chỗ mà ban nãy lão động vào. Tiếng cười của lão khanh khách.


  • Khiếp! Tay tôi có bẩn mô mà anh kì thị rứa?

Chẳng liếc mắt một cái, con mèo nhanh nhẹn lắc người đứng dậy, lẳng lặng đi qua cửa chính của khu di tích, rồi biến mất khi men theo hành lang phía tả. Lão gác cổng khó hiểu trông theo cười trừ lắc đầu. Bóng nắng tháng ba rũ mình trên lát gạch cổ, đổ theo nhịp bước của con mèo hoang.


***


Tôi không còn nhớ trông cô thế nào. Một cách rõ ràng chi tiết cụ thể. Đôi khi những giấc mơ ban trưa vẫn chập chờn hiện về nhắc nhở, ấy thế khuôn mặt tưởng như sẽ không bao giờ quên đó, lại trắng xóa một mảng.

Cảm giác thì vẫn còn. Chúng giống thứ mùi hương đánh dấu nào, rằng ta đã từng ở đây, rằng chốn này thuộc về ta. Chúng lôi kéo ta vào miền nhớ nhung quá vãng, những lối đi thân thuộc đã tua đi tua lại cả trăm lần, đến mức biết rõ giờ khắc nào sẽ rẽ trái, và giờ khắc nào sẽ rẽ phải. Thế mà, thứ cần quên thì lại nhớ, thứ cần nhớ thì lại quên. Tôi dợm trở về trong ảo cảnh mơ hồ, trông thấy cô, trông thấy tôi dưới mái đình hội quán. Toàn bộ từng ấy chỉ kịp tua trong vài giây, ảo mộng khi tỉnh dậy thì chẳng còn sót lại tí gì. Nắng, gió, mái ngói. Lành lạnh. Còn thứ cảm giác quen thuộc thì thôi như mùi hương hấp dẫn. Chúng biến thành chất độc. Một loại chất độc tẩm ướp trên da thịt, ám lấy mình.


“Em hãy sống tốt kể cả khi không có chị nhé. Hãy sống thay phần của chị.”


Cô vuốt lên tai trái. Những khớp xương gồ ghề buông thõng.


“Có một thế giới cứ thế rời đi.”


Tôi không nhớ mình đọc câu này ở đâu. Chắc phải ngàn năm sau ngày ấy và trăm năm khi tôi bắt đầu biết đọc. Cả bài tôi không ưa vì chúng sến sẩm quá mức, riêng câu này thì không. Tôi nghe mất mát của mình, nhìn thấy mất mát của mình, một nỗi buồn tang thương, trải trước mắt, trên giấy trắng mực đen. Ai dùng kìm lôi con sâu bệnh ra khỏi trái táo. Ai đào đất, đóng cọc chôn một nấm mồ. Kiểu vậy. Cảm giác đau lòng xen lẫn khoái trá. Thành thật mà nói, khoái trá nhiều hơn.


Chắc lúc ấy, tôi đã bắt đầu quên.


*

Hội quán dần thay đổi. Cha mẹ cô rời đi theo đoàn người. Họ bỏ tôi ở lại. Mà nói thật, tôi cũng không muốn đi đâu khác, ngoài nơi cô đã ở lại vào những ngày cuối cùng. Tôi cảm tưởng cô vẫn ở đây. Mùi hương của cô, à không, mùi hương của ký ức. Chúng vẫn còn. Đôi khi trong tiếng lá xào xạc, tôi vẫn giật mình tỉnh giấc. Có tiếng gọi. Một tiếng gọi nào đó. Nhưng không phải là dành cho tôi.


Cảm giác sống lâu với tôi là một cảm giác mơ hồ và trôi dạt. Thời gian thì không có tiếng. Chúng ở bên ngoài. Một nơi xa lắm. Mỗi ngày như một ô trống, và khi tỉnh giấc tôi mơ hồ tự hỏi sẽ điền gì vào ô trống ấy ngoài những giấc mộng triền miên. Và cả nỗi nhớ, nỗi nhớ nhung về những điều ai bỏ quên bên bờ.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
:)))) nghe có khác gì người nghiện chơi sâm lốc không :))))))
Tôi mở mắt, trân trân nhìn trần nhà hồi lâu. Những đốm lóa bắt đầu dịu lại. Nắng chiều khẽ hắt từ phía cửa sổ cánh trái. Kéo những bóng nhờ nhàn nhạt nằm im trên tường nhà. Mất vài giây để tôi định hình đây là đâu và giờ là ngày nào tháng nào sau một giấc mộng dài.

Đồ đạc dụng cụ nhà Ánh vẫn thế. Có điều, tôi chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Căn phòng lặng như tờ, chỉ vang vọng tiếng đồng hồ gõ trên mặt kính đều đặn, hoặc thỉnh thoảng vẳng âm thanh một chiếc xe máy chạy qua ngõ hẻm. Nỗi sốt ruột mơ hồ đọng trong không gian.

Kim giờ đang dừng ở con số 4.

Tôi rời giường và bước ra khỏi phòng. Ánh đã dẫn tôi đi các tầng, nhưng chưa bao giờ tôi để ý kĩ một tầng cụ thể nào ngoài phòng nàng muốn tôi vào. Không nên thăm thú nhà khi thân chủ lại không có mặt. Tôi biết thế, nhưng vẫn cứ đi. Tôi không có ý định nào tệ hại để sợ hãi. Nhưng cũng kèm đó, không có một mục đích cụ thể. Tôi chắc chắn tôi sẽ không biết hơn về Ánh trong cuộc thăm thú hoặc sẽ tìm thấy Ánh. Nếu nàng đi mất, tức là nàng đã đi mất khỏi tầm tôi có thể tìm. Mối quan hệ của chúng tôi vốn luôn kiểu vậy. Những gì nàng cho tôi thấy, đó là tất cả những gì mà tôi nên thấy. Không nên vượt quá lằn rành, chỉ đến đó mà thôi.

Tiếng khúc khích của nàng dội về khiến tôi bất chợt mỉm cười.

“Đắng này, tớ ước có thể chạm vào cậu. Ý tớ là xuyên qua cậu. Và cậu sẽ là không khí đối với tớ. Toàn bộ. Không, ý tớ không phải là quan trọng, không thể sống thiếu, mà là, thân thuộc đến mức như vậy đấy. Nhưng tớ biết chuyện đó là hư ảo cả. Nếu tớ kỳ vọng hơn, chuyện thất vọng sẽ làm tớ đau đớn khôn cùng. Ấy thế, nếu chẳng có kỳ vọng nào, thì sẽ thật chán, Đắng nhỉ? Ý tớ là một kỳ vọng đến mức đặt cược toàn bộ con chip ấy. Một là ăn cả, hai là chẳng còn một đồng cóc nào.”

Đó là ý nghĩa nếu nàng chọn biến mất kiểu này. Nàng từ chối đặt cược. Tôi đi tìm Ánh - với không một hy vọng sẽ tìm thấy nàng.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Nắng tháng Sáu vàng ươm. Khung trời thiên thanh như được tráng một lớp gương trong trẻo. Gió từ bên triền đồi độ từ đầu tuần nay chỉ thổi toàn hơi nóng, hệt như phía triền bên kia đang giấu một lò máy sưởi khổng lồ. Thời tiết rất đẹp tuy thế ngột ngạt râm ran khắp chốn khiến chẳng một ai muốn bước chân ra khỏi nhà. Đường lớn từ đại lộ về làng vắng hoe, mà nếu có bóng người, thì hẳn người đó buộc phải đi bởi một chuyện “không thể không làm”. Cơn lười biếng đầu hè kéo không khí làng Haworth trở nên uể oải, trầm lặng hơn thông thường. Ấy thế, dường như tất cả chẳng ảnh hưởng gì tới căn biệt thự Stave của ông bà Thompson nằm gần phía gò đồi hướng nhìn ra biển. Tiếng huyên náo ầm ĩ bao giờ cũng kéo dài đến khuya muộn. Mà kể ra cũng hợp lý, nếu nhà ai cũng có tận 8 đứa trẻ như vậy, thì trời có sập cũng chẳng khiến gia đình bên đó bớt chuyện cho được.


  • Này, này, này, ai cho La ăn kẹo dứa của Mi?

  • Ranh! - Đứa bé trai tóc màu hung đỏ giơ lọ kẹo lên cao, tránh tầm với từ cô em gái. Đốm nắng hấp háy cười ánh trên lọ kẹo thủy tinh được thiết kế trông rất điệu - Ồ. - Thằng bé thích thú khi xoay lọ trong tầm tay, liếc thấy nhãn hiệu đính bên ngoài. - Kẹo nào của mày? Giờ nó là của tao!

Thằng bé lanh tay xoay mở nắp, nhón lấy viên kẹo bỏ tót vào miệng. Một tiếng “cốp” nghe giòn tan, hương vị chua chua từ siro dứa thoáng đã ngửi thấy ở khoảng cách gần.


  • Đúng là “dố” dách! - Nó trệu trạo viên kẹo trong mồm, lắc đầu trêu tức.

  • Mẹ mua cho em! Trả đây!

  • Giỏi qua mà lấy.

Tiếng giày thình thịch dẫm trên thảm cỏ bên vườn táo phía sau căn biệt thự nhà ông Thompson. Gió lao xao đuổi theo chiếc váy hoa nhí của bé gái nhỏ con, có phần mảnh khảnh. Dưới cái nắng mặt trời và cuộc vận động ngoài ý muốn, làn da trắng thêm một phần đỏ hồng khỏe mạnh. Loáng chốc, đôi tóc con màu nâu sữa đã bết dấp dính mồ hôi, mà gương mặt con bé cũng đã đỏ lựng như chực khóc. Nó thở hồng hộc và tụt về phía sau. Trái ngược vẻ khó nhọc ấy, cậu trai còn lại hoàn toàn phấn khích với điệu bộ thách thức trẻ con. Mái tóc hung đỏ chải chuốt giờ đây bị gió đánh tán loạn ra sau, để lộ vầng trán cao tinh nghịch. Tiếng cười khanh khách hòa trong cái gió, vang vọng khắp mạn vườn.


  • Tao tưởng mày đang theo đuổi hình tượng Mr. Darcy? Hai ngày đã cợt nhả trở lại rồi à?

Điệu bộ châm biếm trong câu nói vang lên từ một góc bóng râm trong sân vườn. La quay đầu lườm người đang lúi húi phơi quần áo. Rồi như chọc đúng điểm tự ái của đứa nhóc 15 tuổi, nó đứng khựng lại không thèm chạy biến đi nữa. La chờ em gái đuổi kịp tới nơi, dúi lọ kẹo vào tay con bé, hất cằm:


  • Trả! Tao ứ thèm!

Cô chị cả nhà ông bà Thompson nở nụ cười khinh khỉnh trông theo toàn bộ khi lấy thêm một chiếc áo để cặp lên dây phơi. Nhóc La lúc này cũng đã từ phía vườn nắng bên ngoài mà đi sang xích đu treo ở phía râm chỗ chị Si. Nó ngồi phịch xuống, rút chiếc gương cầm tay trong túi quần trái, vuốt vuốt mớ tóc lộn xộn của mình.


  • Tin tao đi, Mr. Darcy ạ. Mày có tóc hay không có tóc thì con bé nhà Wilson cũng không thích mày đâu.

  • Này! - Nó quay phắt người, hét to.

Trong khi đó, cái Mi đã ôm bụng, cười ngả nghiêng ở phía xích đu còn lại.

  • Mày còn cười?

  • Chị Si ơi, bao giờ mới được ăn thế?

Si chưa thấy bóng dáng đã nghe rõ mồn một điệu liến thoắng của đứa em áp út. Khác với vẻ gầy còm, mái tóc vàng hoe xoăn xù trông ngây thơ rụt rè, nhóc Re lại là kiểu người dạn dĩ và ồn ào, đến mức, nếu cái làng Haworth không xếp cho nó thứ nhất thì họ cũng không nghĩ ra ai vượt được miệng nhóc ta cả. Giọng thằng bé hơi cao, dày và khỏe, thể như một cái cây bén rễ ở bìa rừng nào, vươn lên sừng sững. Chúng sang sảng, đôi khi sẽ khuếch đại không kiểm soát khi nhóc ta phấn khích hơn bình thường. “Cái Do thì ngược lại.” Chị Si lắc đầu nghĩ đến đứa út ít.


  • Ôi trời ạ! - Giọng nhóc Re cắt đứt mạch suy nghĩ. - Ồ! Lọ kẹo dứa nhà Mimian cơ à?

  • Một viên! Một viên thôi! Mi cho Re một viên thôi!

Cái Mi chu mỏ, ngoái đầu ra sau khi đang đứng trên xích đu để cột tóc cho chị gái. Mớ tóc dài của chị Si đã được nó tết gọn rồi búi lên cao.

  • Em lại thèm vào đấy. - Nó “hừ” một tiếng nguýt về phía chị gái trên mình một tuổi. - Mà biết gì không? Ôi trời ạ! Em vừa tạt qua nhà Brian. Con chó Becgie nhà đó đẻ tận 5 đứa một lứa! Tin được không? Thật không công bằng! Chẳng hiểu sao mẹ lại không cho mình nuôi chó. Con Lucy nhà ông Drake đã sinh tới lứa thứ hai. Ông thích em phải biết, chỉ cần xin xỏ một chút kiểu gì ông cũng đưa liền một con. Thế mà mẹ lại không cho. Ôi trời ạ! “Không bao giờ. Không bao giờ!” - Nhóc nhại lại điệu bộ của bà Thompson. - Thế quái nào mà mẹ lại không cho nuôi chó khi bắt mình đi chăm tận năm con bò? Cả lớp em còn đúng thằng Gil, nhỏ Lilian là chưa nuôi. Ôi trời ạ! Thật không thể hiểu nổi. Bọn nó sẽ lôi chuyện này ra để mà nhạo em cho mà xem. Tại sao lại không cho nuôi nhỉ?

  • Riêng việc mày liến thoắng đã hơn bốn con chó cộng lại rồi Re ạ. - Chị Si điềm nhiên mở miệng trong khi tay trái gạt lớp mồ hôi trên trán.

Nhóc ta nhún vai bỏ qua câu mỉa mai từ chị gái. Nhóc còn đống chuyện để kể, và cuộc vận động "nuôi chó” với mẹ mình, dừng lại tranh cãi với “bà cô già khó tính nhất vùng Haworth” này chính xác là lựa chọn chẳng khôn ngoan chút nào. Nhóc Re kéo lấy vai anh trai, cố thu hút khi La vẫn đang chưa hài lòng ở vùng tóc mai bên trái.


  • Này! Anh tin nổi không? Ai cũng nuôi chó mà nhà mình thì không?

  • Ai cũng nuôi cơ á? - La lặp lại, vẻ bất bình. - Thế thì nhà mình cũng phải có một con.

  • Mày chưa quên vụ con Lucy táp bắp chân mày hả La?

  • À… - Thằng nhóc sượng sùng. - Ừ nhỉ… Thế thì… - Mắt nó nơm nớp ngước lên, nháy liên hồi.

Re vốn đang bắt được đồng minh lại bị phá đám liền bá sát vai anh trai, dẩu môi.


  • Kệ chị Si. Đúng là cái bà cô vừa già vừa ế.

  • Nhưng mà đúng là giống Poodle xinh lắm. - Mắt cái Mi đã mơ màng. - Em sẽ đeo rọ mõm cho nó, chắc không sao đâu chị Si nhỉ?

  • Đúng! Em bảo mà.

  • Không, không, không. Đã nuôi thì phải nuôi giống Ngao Tây Tạng. Em sẽ huấn luyện nó nhảy qua lửa. - Don, một trong hai đứa út song sinh chạy ào như một cơn lốc.

Nó lại lén trốn mẹ đi chơi đá bóng với mấy đứa nhóc cùng tuổi trong làng. Bà Thompson đã cấm tiệt vì đi giữa trưa về cảm sốt cao mấy lần, thế mà chẳng quản nổi nhóc ta. Khác với người anh trai song sinh, Don trông mập hơn một chút, mái tóc dài buộc ở phía sau đầu màu đen như mun. Làn da cũng nâu sạm kiểu bánh mật vì phơi nắng nhiều.


  • Hoặc là chạy đua với ngựa. Vui phải biết!

  • Nhóc Do đâu? - Re mở miệng. - Tao còn chưa kịp kể cho nó nghe là thư viện tuần sau sẽ đóng cửa. Cô thủ thư Bertha còn nhờ tao hẹn nó vào thứ ba tuần sau nữa hãy tới.

  • Em không biết. Từ lúc tỉnh dậy thì ảnh vẫn ở trên phòng đọc sách.

  • Tao cá là tóc nó vẫn rối như hề cho coi!

  • Không được nói Do như thế! - Mi phản pháo.

Trong khi đó, chị Si đã treo đôi tất cuối cùng lên dây. Chị chùi tay vào chiếc tạp dề quấn quanh hông, tặc lưỡi.

  • Cái thằng này… Nó lại ngồi một mình à? - Chị quay người về hướng Don hỏi.

  • Đâu, chị Sol qua hỏi ảnh về cách tập Harmonica. Mọi người không nghe tiếng léo nhéo đấy à?

  • Ôi trời ạ! Thà tao bảo tao đang nghe tiếng bò rống còn hơn.

  • Ai mới tập chẳng thế?

  • Cũng công nhận vào sự tự tin của Sol thật. - Chị Si nhếch mép cười lẩm bẩm. - Phải tao, tao sẽ bỏ ngay từ bước đầu tiên khi thấy khả năng của mình như thế rồi.

  • Chị Si! - Cái Mi kéo dài giọng, nhăn nhó không đồng tình.

Gió thổi một đợt hong khô mồ hôi lấm tấm sau cổ chiếc váy vải lụa màu xanh nhạt của Si. Chị hài lòng nhìn thành quả là quần áo thẳng tắp đu đưa trên dải dây phơi, rồi cúi người nhấc chiếc rổ nan nói to.


  • Thôi được rồi. Mi, lên gọi Do xuống tầng làm đồ ăn trưa. Nhất định phải lôi bằng được nó ra khỏi phòng đấy. Nghe chưa? - Chị Si nhíu mày. - Mà không được. Re, mày đi theo cái Mi đi. Nội việc mày ở đó đã đủ khiến thằng nhóc đó phải bỏ ra khỏi phòng rồi. Sau đó thì mày với Don ra phía trang trại chú Roger, chú hẹn đưa đồ cho mẹ vào tầm mười giờ trưa. Trước đó thì mày nên tắm sạch sẽ đi Don ạ. - Chị Si không hài lòng nhìn quần áo nhếch nhác của đứa em. - Hôi rình! Còn La thì vào ướp thịt đi. Cái nhà này trừ mẹ ra thì chẳng ai ướp ngon hơn mày đâu. Ôi không biết con Fa đã làm tới đâu rồi. Lạy trời, mong sao cái lò nướng không bị nó đạp cho móp mồm hoặc hỏng nặng quá thể đáng.

***


Ông bà Thompson nhận nuôi tám đứa trẻ từ khi chúng còn nhỏ là câu chuyện vốn được đồn thổi khắp làng Haworth. Nó được nhắc đi nhắc lại dù đã cũ mèm. Mỗi khi một cuộc nói chuyện nào tới phần nhạt thếch và cạn chuyện, họ lại lôi lên, hào hứng kể về đủ thứ ở căn biệt thự cuối làng. Tiếng lành không ít, nhưng tiếng xấu thì cũng chẳng thiếu thốn gì.


“Mỗi đứa nhà đó một tính. Kể cũng lạ thật. Đều từ lúc còn đỏ hỏn cả đấy.”


“Tận tám đứa. Một ngày cái nhà đó mà sập bởi lũ trẻ đánh hỏng cốt thép thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên gì đâu.”


Tất nhiên, dù đó là một phép phóng đại, nhưng không phải không có ý thật trong đấy. Ông bà chủ căn biệt thự Stave thì lại chẳng mấy khi bận tâm. Vì nếu mà có, thì hẳn vào 7 năm trước, bà đã không mang theo tận hai đứa trẻ song sinh trở về trong ngày bão gió như thế rồi.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Thiệt "nà" rầu ~
Con mẹ, con ơi sao con khổ thế này :)))))))


“Mẹ ơi, con mèo kia có chín cái mạng thật ạ?”

“Hả? À, mẹ không biết. Thấy ngày xưa người ta bảo thế.”

“Tại sao lại thế ạ?”


Cửu không buồn liếc mắt đi qua hai mẹ con du khách nọ. Những lời đồn thổi hư hư thực thực nó vốn nghe nhàm cả tai. Nhiều năm nay, người trong truyện kể như nó đã không còn bận tâm như trước. Con mèo mướp nhị thể rướn người nhảy lên mái ngói hậu viện hội quán. Nắng ngả chẳng sáng màu lớp ngói âm dương đã phai bạc phủ rêu phong. Cửu nghe tán cây xà cừ rì rào, vài nhánh lá lay vuốt bên tai thấy buồn buồn. Một giấc mộng dài lao xao trong gió.


*

“Từ giờ em sẽ tên là Cửu.”


Người đã cứu nó, ngay lúc nó đã nghĩ nó không còn có thể sống tiếp.


“Cửu không phải là chín. Chị chẳng tin gì sất. Em chỉ có một mạng mà thôi. Thế nên, đừng nhầm, tên em không phải là chín, mà là “cửu” trong từ “Vĩnh cửu”. Tức là dài lâu. Em với chị sẽ sống với nhau, suốt một đời. Mãi mãi.”


Tay người con gái mơn man bên tai. Lúc ấy Cửu nghe không hiểu, nhưng biết cô gái đang nói một điều quan trọng với mình.

Những giấc mộng chập chờn đượm một mùi hương nhớ nhung quá vãng. Cửu biết mình chỉ đang trong ảo cảnh: Gương mặt Người trắng xóa, chỉ có giọng nói rành rọt, từng lời từng chữ, vẳng lại như in. Thứ nó cần nhớ thì nó đã quên, thứ nó cần quên thì nó lại nhớ. Chúng kéo Cửu đi, trói buộc Cửu vào những cảm xúc Cửu đã chán chẳng buồn điểm mặt chỉ tên.


Cửu ước, Cửu có thể nhớ Người đến vạn năm. Nhớ ánh mắt của Người, nụ cười của Người, chứ chẳng thuần là giọng nói. Ước nhớ được lâu như tên của nó, hay lâu như cuộc đời của nó.

Nhưng, rồi Cửu ngẫm lại, nó ước nó sẽ hóa thành một gốc xà cừ hay một gốc hòe trong hội quán, rễ cứ bám trụ ở đấy. Là một cái cây thì sẽ không cần phải nhớ. Là một cái cây thì nó có thể đợi Người, và nó cũng không cần phải thèm khát việc ai chờ nó, như nó hằng mong.


“Em hãy sống thay phần của chị.”


Máu Người chảy thành dòng. Cửu nghe tiếng súng gầm bên ngoài hội quán. Cánh cửa gỗ căn cứ chốn kinh kỳ Thăng Long đã đổ sập. Mùi lửa cháy nhuốm không gian, khét lẹt xộc vào mũi. Nó trông thấy mắt mẹ Người đẫm lệ không đành. Cha Người đưa mẹ Người rời đi. Âm thanh người Hoa nơi hội quán ồn ào kêu la chạy loạn. Mọi sự vẫn chuyển động, hỗn loạn mà sao chỉ có Người lạnh lẽo ở đó? Tới giây phút cuối cùng, nó lại chẳng thể nhớ gương mặt Người khi nói những lời ấy. Khung cảnh thực đến vậy, mà Người lại chỉ là một ảo ảnh hư vô.


Đó là cái chết thứ nhất của Cửu. Cái chết chẳng để lại một giọt máu đào.


“Không có gì là trường cửu. Cũng chẳng có nơi nào sẽ là chốn dựa đến cuối cùng cho mày.”


Giữa mùi tanh của máu, âm thanh cuồng nộ từ ngoài vào trong, Cửu nằm bên Người, ước một giấc ngủ an yên.


Sớm mai, trời sẽ lại đẹp, phải không Người?


*

Đám mèo hoang quẩn quanh khu căn cứ người Hoa đã phản bội nó. Ngay khi con mèo nhị thể bại trận dưới một tay khác mới tới. Cửu khẩy cười trước những hành động nịnh bợ của đám thân tín. Lý ra Cửu nên nhìn thấy ngay từ đầu, phải rõ ngay từ đầu mới phải. Có khi bấy giờ Cửu sẽ không đau lòng tới thế.


Trời hôm đấy rất xanh. Con mèo hoang nhớ như in nắng vàng ươm đổ từ bên trái đầu hồi đầu đao, ngả bóng đôi con giống đá xuống đường. Cửu lại thấy mùi tanh thoảng trong gió. Cơn đau ê ẩm suốt toàn thân không khiến nó tỉnh táo hơn. Cửu lịm dần đi trong những tiếng bước chân xa dần của đám mà Cửu gọi là “bạn”.


Đó là cái chết thứ hai.


“Chẳng ai có thể bảo vệ mày. Không một ai.”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Trước khi tiến tới em mèo, thì phải có cái ổ đã TT
Tôi không chắc mình đã tới nơi hay chưa. Con xuồng nhỏ dạt trên dòng sông lững lờ. Lòng thuyền bấp bênh, dập dềnh lên xuống. Tôi kiềm cơn say chuếnh choáng, che tay nheo mắt nhìn ra xa. Nắng đã đứng sào và thể như ngửi thấy mùi cỏ rơm cháy bên đôi bờ. Chị nhà vốn gửi một phong thư từ lâu, nhắn tôi tới thăm từ độ anh mới đổ bệnh. Mà lu bu việc, dềnh dàng mãi tôi chưa đi được.


  • Còn bao lâu thì tới bác nhỉ?

  • Ước chừng một giờ đi thuyền nữa cậu ạ.

Lão khua nhẹ mái chèo. Vân nước khẽ động, lăn tăn vọng mãi ra sát bờ. Loáng thoáng tiếng con chim chích vút ngang trời.


  • Cậu người ở đâu thế?

  • Dạ cháu bên làng Nguyên Xá.

  • À thế dân làng lúa đây mà. - Lão khẽ cười.

Tôi gật đầu đáp. Chốc cuộc trò chuyện lại rơi vào im lặng. Vẳng nghe tiếng cười đùa của một nhóm cô cậu nhỏ đuổi nhau. Những bụi cỏ dứa xôn xao dưới bóng râm của mấy gốc gạo xanh rì. Mặt nước nghiêng nghiêng, gợn sóng phản chiếu non nước trùng trùng điệp điệp. Ngóng ra xa thấy viền đồi xanh bao lấy thôn ấp, làng bản.


  • Cậu tính về Vĩnh Bảo hay Tiên Lữ?

  • Dạ cháu qua Tiên Lữ. - Tôi ngừng một chốc. - Bác chèo xuồng cũng chục năm bác nhỉ?

  • Đâu, làm gì đến? - Lão vẫn đều tay khi quảnh mặt về phía này. - Hết năm, mới tròn sáu cái Tết cậu ạ.

  • Việc cũng vất vả.

  • Kiếm mấy đồng chinh, khéo vừa đủ ăn. Được cái nuôi mỗi thân tôi, cũng không nhọc nhằn gì cho cam.

Thoáng ngập ngừng ngắt câu chuyện ra làm hai. Tiếng nước đều đều vẫn chảy êm ru. Loáng bóng con cá rô mình đen quẫy dưới tầng nước trong văn vắt.


  • Cậu đây là làm …?

  • Dạ cháu làm giấy bên làng Bưởi.

Lão gật gật đầu.


  • À, Giấy dó. Tôi tưởng đâu sĩ tử về thôn. Mà thôi, còn trẻ, có việc là tốt rồi. - Ngừng chốc lão lại đùa. - Thế đã mấy lứa?

  • Bác cứ khéo đùa. Cháu đã làm gì có ai.

Dáng lão gầy gầy, mình trông như con cò, con vạc. Lão mặc một bộ nâu sồng vải thô. Gió thổi vạt áo lay.
 
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên