Ấp tập viết

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Tôi gõ và xóa. Tôi đã viết về Ánh nhiều, tới mức, nếu không mở đầu bằng Ánh, tôi không biết phải để dòng chảy trong mình tuôn ra trên trang giấy thế nào. Dường như toàn bộ yếu đuối, ủy mị, rệu rã, uể oải của tôi đều nằm trọn trong những ký ức có Ánh, những ngày bên cạnh Ánh. Ánh là chiếc gương phản chiếu bản thể tôi mong manh, không được trưng ra trước thế giới, nhưng chính Ánh cũng lấy nó đi khỏi phần người của tôi.

Nàng không làm gì ngoài biến mất.

Nhưng tôi không chết vì sự biến mất của Ánh. Thành thật, khó ai có thể vì một người ra đi mà tìm tới cái chết, trừ khi tự người đó đã phải mục ruỗng trước, sự ra đi của ai kia chỉ là mồi lửa thiêu rụi thân tàn.

Nhưng tôi công nhận, tôi đã không còn là cái tôi cũ. Không chỉ đơn thuần là một nhân dạng được phản chiếu, thứ tôi đánh mất phải nằm trong hình hài của niềm tin, hoặc một thứ gì đó còn sâu đậm hơn thế. Thứ đó đã biến mất trước khi tôi lôi nó ra, soi rọi tỏ tường, gọi tên nó một cách chính xác. Và sầu thảm hơn, khi tôi nghĩ rằng mình có thể dễ dàng tìm lại nó thì nó đã bặt dạng chẳng lần ra tăm hơi.

Lý ra Ánh nên chào tôi. Nhưng có lẽ nàng sợ rằng sự bịn rịn sẽ làm nàng quyến luyến. Và thế là nàng đã chọn cách khiến tội lỗi ám theo cả tôi cả nàng. Hoặc, vốn dĩ tội lỗi chỉ nằm lại bên cạnh tôi.

Đôi khi ngẩn ngơ, tôi tự hỏi, khi Ánh rời đi, liệu nàng có quay lại nhìn tôi lần cuối hay không.

Không hiểu sao, câu hỏi đó rất quan trọng với tôi. Tới mức, có một ngày tôi đã bật khóc vì nghĩ rằng, nàng chẳng hề đoái hoài gì tới tôi, hay những ký ức của tôi với nàng. Nàng xách va li, ra khỏi nhà, không khóa cửa, và rời đi. Mái tóc nàng xõa bên vai và chảy dài trên chiếc lưng trần. Tôi không thấy mặt nàng, vì nàng đã đi thẳng một mạch. Không hề do dự.

Tôi trách Ánh trong tưởng tượng vô số lần.

Đã có lúc, khi tôi không thể một mình cáng đáng toàn bộ cảm xúc chảy loạn trong người, tôi đã viết trên giấy. Rằng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Ánh, tôi sẽ ôm xuống mồ nỗi đau Ánh bắt tôi phải chịu.

Những trang giấy ấy bao giờ cũng nhòe nhoẹt màu mực lẫn trong nước mắt.

Giả như tôi không hiểu vì sao nàng làm vậy, giả như tôi chẳng biết gì về quá khứ của nàng, thì có lẽ tôi sẽ căm hận nàng. Nhưng cảm xúc của tôi luôn dao động trong một khoảng ở giữa, một khoảng giữa thứ tha và hận thù.
 
Chỉnh sửa lần cuối:

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
“Và xem như chúng ta chỉ còn, một chút yêu thương để dành…”

Tôi gác tay lên bậu cửa ô tô, nghiêng đầu nhìn ra bên ngoài. Mưa hắt trên bắp tay, vài giọt nước chạy dọc da thịt, nghe buồn buồn. Album của Trang vẫn phát đều. Tiếng nhạc trôi theo cảnh vật đang chạy ngược chiều đường đi, hòa thành một dải màu hỗn loạn.

Phan vừa lái xe, vừa cằn nhằn bảo tôi đừng có thò đầu ra ngoài nữa, nhưng tôi kệ thằng bé. Không làm gì được, chốc, nó quay lại với câu chuyện đang kể dang dở với thằng Lâm ngồi cạnh. Một câu chuyện phiếm từ tám tháng trước, hoặc vừa mới đây. Tâm trí tôi đã lơ đễnh bởi cơn say xe, tôi nghe chúng nói nhưng không nhớ rõ được nữa. Được một lúc, mí mắt của tôi nặng trĩu cả, khung cảnh chạy dọc bên ngoài cũng mờ lạt hẳn đi. Tiếng ồn ã và cười đùa bên tai dường như xa xăm và nhỏ dần, tới mức, tưởng như chúng chỉ là chút vụn âm thanh nghe được qua một ô cửa kính. Có lẽ tôi đang nằm mơ trong một cơn mơ. Vì Phan thì không biết lái xe, và tôi thì chẳng bao giờ có điệu bộ ủy mị thế này.

Ấy vậy, giọng Trang vẫn lãng đãng, mỏng tang, chân thực. Cứ như thể mọi thứ đang nằm trong một lớp sương mù ở Hà Nội vào ngày cuối tháng mười hai.

***
“Ê, đi chơi không?”

Chị Huyền rủ thế với cả lũ nhân viên trong tiệm gốm mỹ nghệ chúng tôi từ hồi tháng sáu. Lần lữa mãi thì cũng xếp được lịch. Cũng bởi, tính đến hết tháng tám năm nay thì hẳn chẳng còn ai ở lại tiệm.

Thời còn đi làm, tôi ít khi nào nghĩ tới những dấu chấm. Đôi khi chúng tôi vẫn nói về việc ấy, về một ngày tiệm sẽ tàn lụi, một ngày mỗi đứa một phương, và có gặp nhau thì cũng tránh mặt chẳng hạn. Nhưng nói thì nói thế, kế hoạch nghỉ việc của tôi luôn trì hoãn theo từng tháng một. Vậy mà không lâu sau, chừng bốn tháng, tôi đành phải tự động xin nghỉ.

Dần dà, từng đứa cũng rời đi.

Vì cùng một lý do.

***
Khi tỉnh dậy thì tôi biết mình đang mơ: Xe không chạy thêm được tí nào từ khi tôi nhắm mắt. Phía ngoài vẫn là một đại lộ chia thành ba làn, độ một chốc sẽ thấy vài ô tô lướt ngang ngược chiều. Tôi để ý mấy chiếc xe vụt qua đều giống hệt nhau, không biển số và chúng sẽ quay lại từ đường chân trời khi đếm đến giây thứ mười lăm.

Tiếng cười đùa lúc này đã im bặt, chỉ còn âm thanh của mưa rả rích bên ngoài. Cái Tiên ngồi ngay cạnh, xòe tay đưa tôi một thanh socola, rồi lại nằm ngủ tiếp. Chắc ban nãy nó đã đưa cho mọi người ăn rồi. Phan vừa gặm một miếng bánh, vừa đảo tay trên vô lăng, nói nhỏ còn lâu mới tới nơi, bảo tôi cứ ngủ tiếp cũng được.

Tôi nhìn cái Tiên đang ngả đầu trên vai chị Huyền. Kiên và Thịnh cũng đã lên xe từ lúc nào, chắc khi nãy Phan đã tấp lề ở đâu đó để cho hai đứa chúng nó lên.

Mọi người đều ngủ. Trong một chiếc xe khách. Phóng trên con đường tôi không biết tên. Đến một nơi, mà nếu có hỏi, hẳn Phan sẽ trả lời bằng một mốc thời gian thay vì địa điểm.

Trang đã hát tới bài hát khác, cùng nằm trong album. Tôi mất giấc, nghiêng đầu nhìn ra ngoài ngân nga hát theo.

“Anh nói đôi lần thành phố cảm giác xa lạ
Anh muốn là người dưng giữa rừng núi bạt ngàn…”

***
Có một dạo cái Tiên nói với tôi.

“Rời đi lúc vẫn còn nhiều tình cảm và rời đi lúc cạn hết tình cảm rồi, em không chắc cái nào tệ hơn.”

Tôi chỉ im lặng nghe mà không tiếp lời được nó. Có lẽ vì những cơn đau thì không đong đếm được. Và rằng dù còn tình cảm hay không, nếu đã cố gắng hết mình nhưng quyết định cuối cùng vẫn là rời đi, thì hẳn, người ta cũng kiệt sức rồi.

***
Xe đi qua một trạm kiểm soát, rời khỏi thành phố. Không rõ bằng cách nào mà thằng Phan thoát được. Chúng tôi vẫn băng băng về phía trước. Những con xe giống hệt nhau đã chuyển thành xe bán tải và container. Bầu trời lúc này vẫn sầm sì và loang lổ những mảng màu xám trên nền trắng đùng đục như sữa pha loãng. Tôi vẫn lẩm bẩm theo bài hát của Trang, dù không thấy tia nắng nào giống trong lời bài hát.

Đi được một hồi, đường quốc lộ bỗng nhỏ lại, trở thành một con phố bao xung quanh Bờ Hồ. Dòng người và xe tấp nập, ồn ào. Tôi chẳng rõ mặt ai với ai. Trong khi nhạc Trang vẫn phát trong xe, tôi nghe văng vẳng tiếng chuông bên giáo đường vang lên - tiếng chuông mà sáu giờ tối nào ngồi ở tiệm cũng sẽ nghe thấy. Tôi ngơ ngẩn, nghiêng đầu qua ô cửa, ngoái nhìn ra sau, mặc cho thằng Phan vẫn cằn nhằn rằng tôi không được thò đầu ra như thế. Đôi tháp Nhà Thờ Lớn đang ẩn hiện thấp thoáng trên những mái nhà đô thị và trong một thoáng, tôi nhìn thấy cửa tiệm gốm vẫn mở, dăm chiếc ghế cói bày ở ngoài vỉa hè không có người ngồi.

Tiếng chuông nhà thờ vang lên nghe lành lạnh. Gió thốc vào trong xe. Tôi cắn một miếng socola cái Tiên đã đưa, nhắm mắt.

Trong khi bóng tối đổ lên người mình lẫn nữa, tôi xin Chúa ban phước lành cho kẻ ngoại đạo là tôi.

***
Xin nghỉ xong, tôi mất nhiều thời gian để hết buồn. Để học một bài học rằng, có nhiều chuyện nằm ngoài sự cố gắng của tôi. Và tôi không có cách nào khác là để mặc cho mọi sự chảy trôi theo chiều hướng nó cần phải chảy trôi. Biết là mình đã hết mình, và chấp nhận nỗi buồn khi chọn sống là mình. Tin tưởng một ngày nắng kể cả khi trời đã mưa cả tuần.

Khi tôi quay lại tiệm lần nữa, khi những thứ nhỏ nhỏ tôi giữ, đưa lại cho mọi người, tôi thở phào một hơi. Tôi nghĩ tới một nhân vật của bác Giang, một nhân vật đã hỏi bác rằng: “Theo anh, liệu tôi đã chấm xuống dòng được chưa?”

***
Tôi mở mắt bởi âm thanh ồn ào. Tiệm gốm không thấy đâu, trước mắt tôi chỉ là một đại lộ vắng người. Xe vẫn đi ngược chiều mưa rơi. Mọi người rục rịch tỉnh dậy, trong khi Lâm vẫn chí chóe với thằng Kiên mãi chẳng dứt. Tôi chạm mắt chị Huyền lẫn cái Giang, rồi chúng tôi phá lên cười.

Phan vẫn chạy xe. Tôi không biết chúng tôi đi đâu, nhưng hình như cảm giác lo lắng và sợ hãi đã không còn nữa.

Giọng Trang vẫn bên tai, tôi nhìn mọi người trong giấc mơ, thì thầm hát theo.

“Nếu biết trước ngày mai thì em sẽ làm gì?”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Tôi nằm trên cánh đồng. Gió thổi vi vu bạt ngàn. Những thanh âm rì rào lùa bên dưới mang tai. Nghe buồn buồn. Tôi nghe tiếng Anh gọi. Lẫn vào trong chiều gió thổi mơn man. Nắng hửng trườn qua mí mắt. Và làm ấm đôi cánh tay để trần.

Tôi nghe tiếng sột soạt trong khi vẫn đang nhắm mắt. Rồi hơi ấm và mùi hương của Anh, xộc vào cánh mũi. Những cảm giác chân thật đột nhiên khiến tim tôi hồi hộp. Và kỳ lạ rằng, dường như là một ánh sáng, một đốm sáng, một hy vọng nào đó khiến tôi phải mỉm cười chờ đợi. Dẫu rằng tôi không biết thứ gì đang thực sự ngoài kia. Có lẽ Anh đang đan tay sau đầu. Khuỷu tay anh vô tình chạm nhẹ qua vai tôi. Tiếng Anh thở. Khẽ khàng thôi, nhưng an toàn. Đủ để tôi biết bên cạnh tôi lúc này đang là ai.

Một lúc lâu, khi nhịp thở của Anh đã yên bình, tôi mới mở mắt. Anh giống hệt như tôi tưởng tượng. Nằm im, thở khẽ, gối đầu trên một đồng cỏ. Những ngọn cỏ cao trổ xung quanh chúng tôi rì rào. Tôi vươn tay muốn bắt một lọn gió, một lọn nắng. Thật muốn giữ chúng lại. Giá cả thế giới trong khoảnh khắc ấy có thể đóng khung in hình. Không chỉ là anh, là tôi, là nắng, là gió. Còn là khu rừng, là đám thạch tinh, là những ngọn núi, là lũ cá vàng nằm trong hồ sâu. Tôi ước ao có thể gom trọn thế giới, và để trái tim mình hòa cùng chúng khi ấy.

  • Ngày mai em rảnh chứ?

Anh mở mắt. Đôi mắt anh nhìn tôi. Chẳng có ý đồ sâu xa gì.

  • Làm gì ạ? - Tôi hỏi lại khi không muốn đối diện anh. Vị trí này làm tôi hơi bối rối. Tôi nằm xuống, song song với anh, nhìn lên bầu trời và tìm lại nhịp thở êm đềm của mình.
  • Mình sẽ đi tới tim rừng. - Anh trả lời. - Anh nghĩ mình cũng nên chỉ em một chút, nếu như Anh biến mất, ít ra em cũng sẽ mang máng điều gì. Thực ra thì, - Anh nhăn mặt. - tự khám phá thì cũng chẳng vấn đề. Nhưng nếu biết một chút, em sẽ tự tin hơn. Rằng mình cũng đã từng nhúng chân vào cái thau nước đó, và không bị bỏng đâu mà.

Nắng vắt vẻo trên những tán cây. Tôi mỉm cười và chỉ thấy lời anh nghe như gió thoảng ơ hờ.
  • Trời đẹp ghê. Anh nhìn kìa, đám mây kia giống con cá sấu không. - Tôi chỉ lên bầu trời. - Còn bên cạnh là mặt người định ăn con cá sấu.
  • Nhìn giống củ cà rốt. Còn cái kia giống Apple chứ.
  • Anh nhìn ngược rồi. Đây này, đây là đầu con cá sấu nhé. Đấy, còn kia là cái đuôi. Cái mồm đang há này. Anh có thấy chỗ thủng kia không. Đấy là mắt nhé.
  • Không, chẳng giống gì cả.
  • Có mà anh chẳng chịu nhìn gì sất.
Anh càm ràm một lúc. Chúng tôi cãi cọ và tôi đánh vào vai anh.

  • Ừ. Em nói gì cũng đúng.

Tôi bật cười khi nhìn gương mặt miễn cưỡng của Anh khi đầu hàng.


Một lúc sau, chúng tôi đứng dậy. Tôi hơi tiếc khi phủi những bụi cỏ khỏi tay áo. Trước khi trở lại Nhà Kính, chúng tôi đi qua hồ. Anh gọi cá vàng. Chúng trồi lên khỏi mặt nước. Những cơ thể khổng lồ lặng lẽ. Tôi vẫy tay chào chúng. Chúng gật cái đầu như đáp trả. Những vảy vàng chỉ ánh xạ lấp loáng và dần biến mất hẳn khi chúng lặn sâu xuống dưới đáy hồ.

Khi đi qua Bức Tường Đá, đám thạch tinh vẫn trốn tôi. Chúng nép sau những viên đá lớn. Anh bảo tôi đám này không thể gọi ra được, chỉ có chúng tự tìm đến mình thôi. Băng qua một khoảng bụi rậm, anh rẽ trái và trở lại Nhà Kính. Tôi không nghĩ tôi lại tìm tới chốn xa như thế. Anh đùa rằng vì anh cố ý dẫn tôi đi đường vòng. Tôi nghĩ trong một lúc tôi đã muốn đó không chỉ chỉ là một lời đùa cợt. Anh dẫn tôi tới tận cầu. Nắng đổ trên yên chiếc xe đạp địa hình. Tôi không muốn về nhà nữa. Tôi quay lại nhìn Anh, nhưng trong mắt Anh không có ý giữ tôi ở lại lâu hơn.

  • Em về đây. - Tôi cúi đầu và đi về phía xe.
  • Ừ. Về nhé.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Có vẻ mình không có duyên lắm với viết kiểu văn cho trẻ em :))) Cũng hơi rầu xíu vì mình khá trông đợi iem này sẽ làm nên chiện. Cơ mà cũng một phần là do mình chưa phân tích kỹ, lý ra ở phần truyện khác sẽ trúng hơn. Chẹp. Có điều mình lại không có hứng viết phần truyện khác đó nữa.

Dù sao thì em bé cũng đã được lên :> Một kỷ niệm cạch đến già :)))))) cười nắc nẻ :))))))) Một lát ngắn, có lẽ dành cho mình, nhiều hơn là dành cho một ai khác.

À quên :> Còn phải cảm ơn bạn KD đã khiến mình thấy vui vẻ hẳn :>

Chà, dạo này mình không còn hay viết những thứ giời ơi đất hỡi :> Tự dưng lại hơi thèm :>

Tận sâu trong cánh rừng già, nơi ven con suối vắt ngang giữa hai đồng cỏ dại, có một căn nhà nhỏ tí hon. Dù trông hình dạng của nó hệt như chiếc giỏ nan úp ngược, nhưng đừng nhầm lẫn, đó thực sự là một mái nhà. Nếu vẫn còn chưa tin, bạn hãy cúi người xuống, hé mắt vào một lỗ nhỏ bên trái, bạn sẽ thấy toàn bộ nội thất xinh xắn nằm trong đó: Chiếc giường êm ái nhất trần đời, vốn nguyên bản là một bông hoa cúc. Một chiếc bàn làm việc xếp ngay ngắn gần cửa ra vào. Phòng bếp với đầy đủ dụng cụ đồ nghề tinh xảo. Và đặc biệt nhất là những dây leo tạo thành giá sách kéo cao lên tận nóc nhà. Phải là người thật thân thiết với khu rừng, bạn mới biết được chủ nhân của căn nhà đó là cô người lùn Tí Nị.

Một ngày mới lại bắt đầu với cô người lùn khó tính nhất khu rừng. Cô Tí Nị đã tỉnh dậy từ sáng sớm, nhanh chóng bước xuống giường, ăn bữa sáng đầu ngày gồm vụn bích quy và tách mật ong sương mai. Trời mưa rả rích suốt từ đêm qua, khiến cho cả căn phòng đều ẩm ướt cả.

“Ôi trời!”

Tí Nị vừa than thở vừa dọn dẹp lại nhà. Xong xuôi, cô mới yên vị trên bàn làm việc. Cô nhanh tay lật tìm trang tài liệu “Bách thảo toàn thư” vốn đang dịch dở từ tiếng Anh sang tiếng người lùn, tay còn lại chuẩn bị bút lông. Chỉ còn chút ít nữa thôi, công việc của cô sẽ hoàn thành. Vậy mà…

“Trời ạ.” Tí Nị bất chợt buông bút, thở dài.

Đã suốt một tuần nay, trang giấy cuối cùng của cuốn sách vẫn trắng tinh, Tí Nị không hề viết thêm được chữ nào. Một người vốn luôn tay luôn chân, kỷ luật như cô, thế mà đột nhiên lại như vậy. Quả là lạ lùng!

Rầm! Rầm!

Cơn địa chấn đột ngột dậy lên từ dưới đất. Tí Nị bật người ra khỏi ghế, ngã lăn xuống sàn. Vài tách trà trong tủ kính cũng rơi vỡ tan tành.

Tiếng mưa vẫn rả rích, kèm theo đó là một âm thanh lạ phát ra từ đồng cỏ. Rõ ràng đây không phải tiếng của mấy chú nai hay bén mảng tới. Nỗi lo sợ đột nhiên lan nhanh trong lòng, Tí Nị lồm cồm bò dậy, rón rén bước đến sát cánh cửa ra vào.

Không có ai.

Quái lạ!

Tí Nị lại nhón chân bước từng bước về phía khung cửa sổ. Chiếc mành hoa dần được kéo lên từ từ. Tí Nị căng mắt nhìn theo.

Ngoài cửa sổ, một chiếc bờm lông vàng xuất hiện. Cô người lùn trợn tròn mắt.

Sư Tử! Một con Sư Tử ư?

Tí Nị cắn chặt răng, không dám thở mạnh. Ấy thế, ánh mắt của đối phương đã dính chặt lấy cô.

“À… À… Ờm…” Chú Sư Tử phía bên ngoài lắp bắp mở miệng. “Tôi… Tôi xin lỗi…” Chú ngừng lại. “Cô… Cô có biết… ai ai… ai là Do… Dorothy… không… không… không ạ?”

***​

Trời đã tạnh mưa. Những ánh nắng đầu tiên trải dài trên đồng cỏ thơm mùi ban sớm. Tí Nị đứng trước căn nhà của mình, khoanh tay nghĩ ngợi. Đối diện với cô là một chú sư tử to lớn, đang ngồi khóc thút thít.

“Vậy ra cậu là Sư Tử Nhút Nhát, và cậu cần tìm Dorothy?”

“Đúng vậy… Huhuhu…”

Tí Nị nhăn mày trước sự mau nước mắt của người bạn mới.

“Có thế cũng khóc.” Cô hậm hực.

“Cậu làm sao mà hiểu được chứ? Nếu không gặp Dorothy, tớ sẽ vĩnh viễn mất Lòng Can Đảm.” Nói rồi Sư Tử Nhút Nhát lại òa lên nức nở.

Tí Nị “hừ” một tiếng, xoa cằm nghĩ ngợi.

“Chà,” Tí Nị chép miệng. “Biết đâu được đấy, có khi chẳng cần Dorothy, cậu vẫn tìm được Lòng Can Đảm. Hay cậu thử đi theo hướng ngôi sao phương Bắc một chuyến xem. Mấy cuốn sách cổ vẫn thường nói thế đấy:

Chớ có ngần ngại

Bắc thang lên hỏi

Ngôi sao phương Bắc

Nằm trái khung trời.”

“Cậu sẽ đi với tớ chứ?”

“Ôi dào ôi! Cậu phải tự mà đi đi chứ.”

“Huhuhu…”

Tí Nị chán nản nhìn khuôn mặt đầy nước mắt của Sư Tử Nhút Nhát.

“Thôi được rồi. Tớ sẽ tiễn cậu một đoạn. Trời ạ, tôi còn biết bao nhiêu việc.” Câu này thì Tí Nị biết thừa mình chỉ đang nói xạo.”

***​

Và thế là Tí Nị chuẩn bị đồ đạc, mang theo cả chiếc la bàn nho nhỏ, rời nhà hướng về phương Bắc. Đã rất lâu Tí Nị không bước ra khỏi nhà, lâu tới mức cô không còn nhớ lần cuối cùng mình đi đâu đó là bao giờ. Cô cùng Sư Tử băng qua đồng cỏ, đi, đi mãi, đi hết nửa khu rừng già, đi tới khi hoàng hôn bắt đầu chiếm trọn bầu trời.

Suốt chặng đường dài, Sư Tử Nhút Nhát kể cho Tí Nị nghe bao nhiêu chuyện. Hóa ra không phải Sư Tử Nhút Nhát sinh ra đã không có Lòng Can Đảm. Chỉ là cậu đã đánh mất nó dưới một dòng sông và không sao tìm lại được nữa. Vì cũng muốn như anh mình - người anh trai đã tìm thấy Lòng Can Đảm khi gặp Dorothy - nên cậu đã lặn lội đến tận đây.

Khi trời tối hẳn, Tí Nị liền bảo Sư Tử Nhút Nhát nghỉ ngơi dưới chân một con thác. Cô tháo vát đánh lửa, mở trong tay nải lương thực mình mang theo, lại còn nướng cho Sư Tử con cá mà cậu ta bắt được.

“Cái gì cậu cũng làm được nhỉ?”

Tí Nị nở mũi cười sung sướng nhưng vẫn khiêm tốn đáp lại:

“Nếu cậu mà gặp bảy người anh trai của tớ thì cậu sẽ còn nể nữa. Họ đi đào vàng, đào đá quý, lại còn có thể làm ra đủ mọi dụng cụ. Mấy đồ làm bếp trong nhà tớ đều là họ làm cả đấy.”

“Bảy người anh trai? Có phải họ là bạn của Bạch Tuyết đúng không?”

“Đúng rồi. Họ nổi tiếng lắm.”

“Ồ…” Sư Tử Nhút Nhát gật gù. “Thế mà tớ không biết họ còn có một người em gái cơ đấy.”

Tí Nị nhún vai.

“Chẳng mấy ai biết tới tớ đâu mà.”

Bầu trời đêm lấp lánh những ánh sáng xanh huyền diệu. Tưởng như muôn vì sao tạo thành một dòng suối nhỏ, như dòng suối gần nhà Tí Nị, vắt ngang bầu trời. Tí Nị nhìn ngắm bầu trời đêm, không hiểu sao một niềm muộn phiền len lỏi trong lòng. Thực tình, Tí Nị cũng muốn giống anh mình, có một cuộc đời thú vị, muốn được lưu lại trong một cuốn sách nào đó. Nhưng từ bé đến lớn, Tí Nị chưa bao giờ nổi bật. Điều tự hào duy nhất của Tí Nị là tên cô cũng được ghi lên những cuốn sách - dù không phải dưới dạng một nhân vật chính, mà là một dịch giả. Đó từng là niềm vui duy nhất của cô, vậy mà cả tuần nay, khi nghĩ tới việc sẽ kết thúc cuốn sách thứ một trăm, và dịch cuốn tiếp theo, Tí Nị lại chẳng thấy vui chút nào. Cô chỉ cố để được giống anh mình thôi phải không?

“Cậu đang buồn đấy à?”

Tí Nị giật mình. Trong suốt cuộc hành trình, lần đầu tiên cô người lùn lắp bắp.

“Hả? À à… Gì chứ? Tất nhiên là không.”

Sư Tử không nói gì nữa. Nó ngả chiếc đầu lớn của mình lên hai chân trước.

“Cũng chẳng mấy ai thích tớ đâu mà. Tại tớ cứ khóc mãi. Biết sao được, tớ sợ nhiều thứ quá. Hồi tớ còn nhỏ ấy, cha tớ vẫn luôn nói với tớ thế này: “Con là một đứa đặc biệt, con trai ạ, hãy tin là như thế. Sự thiếu thốn của con chưa bao giờ là khiếm khuyết, chúng sẽ dẫn con tới nơi cần con, và bản thân con cũng cần nó”. Câu ấy luôn an ủi tớ mỗi khi tớ không thể ngừng khóc.”

“Cha của cậu tuyệt đấy.” Tí Nị mỉm cười, những ánh sao lấp lánh trong đôi mắt cô.

Đúng lúc này bất chợt một tiếng hát vang lên từ đằng xa. Những con đom đóm không biết từ đâu cũng lập lòe xuất hiện khắp không trung.

Cả Tí Nị và Sư Tử Nhút Nhát căng mắt tìm ra nơi phát ra giọng hát.

“Có lẽ là hội yêu tinh mũi đỏ đấy. Họ thích hát hò và tụ tập lắm.” Mắt Tí Nị sáng rực. “Kia rồi, cậu có thấy đốm lửa đằng sau gốc dẻ gai kia không?” Tí Nị ngừng một chốc rồi huých vào người Sư Tử. “Này, cậu ra xin họ cho mình nhập hội cùng đi?”

Sư Tử Nhút Nhát lập tức nhảy dựng lên.

“Sao lại là tớ?” Răng Sư Tử đánh vào nhau run cầm cập. “Tớ chẳng nề gì, nhưng mà cậu thích thì tự đi làm đi chứ?”

“Tớ nào có thích…” Tí Nị cũng nhảy dựng lên, chối đây đẩy. “Cữ tớ mà thích hát hò…” Tí Nị bất chợt dừng lại.

Một khoảng lặng dài. Hai người bất động trố mắt nhìn nhau. Rồi Tí Nị phá lên cười lớn, Sư Tử ôm bụng ngặt nghẽo theo sau.

“Trời ạ, nào, đi chung thôi nào.” Tí Nị cười khúc khích, nói.

Tối hôm ấy, cả Tí Nị và Sư Tử vui vẻ nhập hội với yêu tinh mũi đỏ. Họ cùng nhau nhảy quanh đống lửa, cùng ca vang bài hát của làng yêu tinh. Tiếng cười nói, tiếng hát vang khắp khu rừng. Bài ca ngân mãi, vươn xa, xa tới mức dường như chạm tới cả ngôi sao phương Bắc đang lấp lánh phía trái khung trời xanh thăm thẳm:

"Nào hãy hát lên theo ta

Rẽ trái hai lần và rẽ phải một lần

Xuyên qua ngõ cụt

Để tới vực thẳm

Ta xin tha thứ

Tha thứ cho mọi lỗi lầm

Tha thứ cho mọi sai trái

Tha thứ cho thất bại kể cả khi nó còn chưa tới

Vì con đường cần đi luôn là rẽ trái hai lần và rẽ phải một lần

Ta trả ta tự do

Khỏi những sợ hãi

Khỏi những ràng buộc

Để xuyên mình qua ngõ cụt

Và lao mình tới vực thẳm lần nữa."


***​

Sớm hôm sau, Sư Tử Nhút Nhát và Tí Nị lại tiếp tục lên đường. Họ dừng lại khi tới được bìa rừng. Ánh nắng vươn cao trên những lùm cây.

“Cậu không muốn đi với tớ nữa à?” Sư Tử mếu máo hỏi.

“Tớ muốn trở về nhà suy nghĩ cái đã.”

Sư Tử Nhút Nhát buồn bã. Dường như mắt chú ta lại đỏ hoe.

“Nhưng mà tớ đã rất vui đấy nhé.” Tí Nị bật cười, tiến tới ôm chặt chân trước của Sư Tử Nhút Nhát. “Cảm ơn cậu.”

“À…” Sư Tử bỗng dưng đỏ mặt. “Tớ… Tớ cũng… thế.”

Tí Nị đưa Sư Tử Nhút Nhát chiếc la bàn của cô, rồi vẫy tay nhìn Sư Tử rời đi. Khi người bạn mới chỉ còn là một dấu chấm nhỏ, Tí Nị mới hít sâu, nhìn lên bầu trời cao vời vợi. Chốc cô người lùn khẽ mỉm cười, thở nhẹ một hơi. Cô quay người, vui vẻ hướng về nhà, nghĩ tới vụn bích quy cùng tách mật ong sương mai đang chờ mình.

Và có lẽ, còn cả một chân trời mới của riêng cô cũng đang chờ cô ở đó.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Viết cho bé nhà :>

Tiếng động cơ ồn ã từ xuồng cậu Tư vẫn còn văng vẳng vọng về dưới ánh chiều chập choạng. Thằng Nam thẫn thờ trên cái võng mắc trong nhà bè, đưa mắt dõi theo con xuồng của cậu mình. Tiếng dép má nó loẹt xoẹt vang từ hông chòi lá, nhưng nó không còn bận tâm được chi nữa. Giọng cậu Tư vẫn đang ám lấy nó.

“Tía mầy mất. Má mầy nuôi mầy, có việc ăn việc học mà mầy cũng làm hổng xong. Mầy làm thế không thấy có lỗi với má mầy hả? Hay rồi, giờ mầy trượt, chỉ có nước ăn cám.”

Thằng Nam nhớ lại lời cậu, thở dài thườn thượt.

Hổm rày, nó mới trượt cấp ba.

***

Thằng Nam buồn. Má thằng Nam cũng buồn.

Thực ra, thằng nhỏ biết mình trượt từ hôm thi xong. Suốt từ bữa đó, lúc nào nó cũng lẩm nhẩm xin tía nó ở trên trời, phù hộ cho nó, chỉ cần sát điểm thôi cũng được, đỗ bừa vào trường nào đấy thôi cũng được.

Thế mà… Chẳng có phép màu nào xảy ra cả. Tía đã không giúp nó.

Mà trách ai bây giờ? Nó có học hành gì đâu, cậu Tư mắng cũng chẳng sai câu nào.

“Cái thứ âm binh. Nhỏ thì quấy làng quấy xóm, lớn thì làm khổ má mầy. Chẳng hiểu chị Hai có tội tình gì mà rước phải cái nhà này.”

Từ trước tới nay, chẳng bao giờ người ta thấy thằng Nam chịu khó học hành. Tối ngày, thấy má nó la nó chỉ biết gây sự, phá làng phá xóm. Ai biết đâu, nếu không phải tụi thằng Khoa nhạo nó là thằng không cha, thì nó đâu có tính gây gổ với lũ đó?

Rồi gần thi cấp ba, thằng Nam chịu nghe lời má, cố gắng học hành chăm chỉ. Nhưng chữ nghĩa cứ vô đầu lại rơi rớt hết cả, điểm số của nó bao giờ cũng xếp cuối lớp. Lâu dần, cô giáo sinh ác cảm với thằng Nam. Cứ đi họp phụ huynh, cô lại ý tứ bóng gió, réo tên má nó trước mặt tía má người ta. Riết nó đâm ra ghét cô lúc nào không hay, toàn cúp tiết, trốn học lêu lổng.

Giờ thì hậu quả là nó trượt. Thằng Nam lại thở dài trông ra mặt sông tối om.

Từ bữa tới giờ, nó với má chẳng ai nói với ai câu nào. Cả ăn cơm, nó cũng không ăn cùng má. Nãy má biểu nó vô dọn chén ăn tối. Nó dọn xong, vô tình chạm mắt má, suýt thì khóc. Thằng Nam vội vàng bảo má ăn trước, chốc nữa nó ăn sau rồi nó dọn. Nói xong, nó nhanh nhanh chóng chóng đứng dậy. Thằng nhỏ chạy ù ra ngoài bờ kè từ chiều tới lúc khuya, muỗi cắn đầy chân, bụng dạ réo ùng ục, vẫn chưa chịu về.

Cũng tại, thằng Nam đâu muốn khóc trước mặt má nó.

***

Sớm.

Nắng lên cao quá đầu, đổ bóng hàng dừa nước phản chiếu xuống mặt sông.

“Gâu! Gâu! Gâu!”

Tiếng chó sủa khiến thằng Nam đang say giấc trên cái phản trong chòi lá, mơ màng tỉnh dậy. Nhưng vừa mở mắt, nó đã ngẩn ra. Hết nhìn con chó xa lạ trong cái làn tre của má, thằng nhỏ lại nhìn má thắc mắc. Má nó đặt cái làn xuống dưới sàn, rồi vội vàng bước xuống thang.

“Chó nhà nào đi lạc. Thấy tội tội nên tao dắt về.” Giọng má lạnh tanh, chẳng có chút âm sắc nào.

Thằng Nam ngơ ngẩn nhìn con vật trước mặt. Từ nãy tới giờ, con chó cỏ vẫn ngồi im trong cái làn của má, nó chăm chăm nhìn thằng Nam không dứt. Chiếc mõm dài của nó hếch lên, hửi hửi xung quanh tò mò. Tâm trạng thằng Nam vui vẻ lên một chốc, nó xỏ dép bước xuống dưới giường tiến về phía làn tre.

“Grừ…“ Con chó lập tức nhe răng về phía thằng Nam.

“À… Dữ dằn quá ta?”

Nó bất ngờ, cười lớn rồi dừng lại, ngồi xổm xuống.

“Má tao đưa mày về đó. Tao là con bả, nghe hông? Tao cũng là chủ mày đó. Liệu hồn nha, láo nháo tao uýnh mày đó nghe.”

Như nghe hiểu những gì thằng Nam nói, con chó sủa “gâu” một tiếng, rồi lại nhe răng phản đối.

“Trêu nó, nó lại cắn cho.”

Tiếng cái thang dựng tạm kêu cọt kẹt theo bước chân má. Má lúc này đã quay trở lại trên chòi, xách một cái làn nhựa khác. Thằng Nam liếc thấy má, nó im hẳn, đầu cúi xuống đất.

Má cũng không ừ hử gì hơn, lấy cái nón lá đội đầu, rồi lại quay xuống nhà. Thằng Nam nhìn theo bóng má, rồi lại chăm chú nhìn con chó trước mặt.

Đột nhiên trong lòng thằng nhỏ dậy lên một cảm giác lo sợ.

Nhà nó nuôi hai miệng ăn đã khó, nói gì tới… Mà, má có bao giờ thích chó. Từ bé đến lớn nó đã xin nuôi chẳng phải một, hai lần, có bao giờ má đồng ý đâu?

Sao hôm nay…?

***

“Cậu Tư! Cậu Tư! Lại biểu coi.”

“Chi vậy chị Hai?”

“Có cái này hay lắm nè. Lẹ lẹ coi. Nè, con chó tui mới dắt về đó.”

“Chèn đét ơi! Chị Hai mua hồi nào mà lẹ dữ vậy? Chị Hai đặt tên chưa? Úi cha.” Cậu Tư vừa cười vừa ngồi xuống, ôm con chó đang dính chặt bên bắp chân. “Quấn người thiệt đó.”

“Mới nhặt về sáng nay à. Tui cho nó mỗi miếng khoai, nó cứ đi theo vầy đó. Tui tính kêu là Mật.”

Thằng Nam trốn ra ngoài bờ đất, dòng tai nghe lỏm cuộc nói chuyện của má với cậu Tư. Chưa bao giờ nó thấy cậu Tư cười nói dễ chịu như thế với nó cả. Thằng Nam hằn học nhìn con chó nhảy chồm chồm trên chân cậu. Con Mật kể cũng khôn lắm, rõ là trưa nay, nó hằm hè suốt với thằng Nam, thế mà giờ đã vẫy tít đuôi lấy lòng cậu Tư. Thằng Nam trề môi, mất hứng ném một viên đá xuống dưới lòng sông.

“Nam!”

Má đột nhiên gọi nó từ trên chòi. Thằng Nam giật nảy mình, dạ ran một tiếng.

“Trông nhà nghe, tao với cậu Tư đem con Mật đi tiêm phòng.”

Lại còn đem con Mật đi tiêm phòng nữa chứ. Má giàu từ lúc nào mà thằng Nam hổng biết đó.

“Đấy! Nuôi con chó còn hơn con người.”

Giọng cậu Tư móc mỉa, cố ý nói to để thằng Nam nghe thấy. Thằng Nam tức mà chẳng làm được gì. Hốc mắt nó chốc lại nóng bừng. Nó bứt bừa một cây lau sậy, nghiến răng, tuốt hết sợi lau, rồi vứt xuống sông.

***

Mấy ngày sau đó, con Mật ngày càng dính má. Chiều nào má cũng ngồi ăn với nó, chẳng mấy chốc con Mật béo húp béo híp. Có mấy bận, má còn quên mất, không gọi thằng Nam lên dọn cơm. Thằng nhỏ thì cứ lủi thủi trốn ngoài bờ kè suốt, mãi tới khuya mới chịu trèo về. Nhưng nào có yên, con Mật thấy động, sủa banh chành nhà, má tưởng trộm, bật dậy giữa đêm. Thằng Nam bị má rầy cho mấy bận.

Thế là thằng Nam thù con Mật ghê gớm lắm. Cứ khi nào nghía không thấy má nó, nó lại đạp con Mật một cái, cho con Mật sủa om sòm.

Nhưng con Mật cũng khôn. Nó biết thằng Nam không dám làm gì nó trước mặt má, nên bám dính má thằng Nam. Rồi ỷ có má, con Mật bày trò trêu tức thằng nhỏ. Thằng Nam ức lắm mà chưa nghĩ ra kế gì trả thù.

***

“Tao ra chợ, bây ở nhà nhớ cho con Mật ăn nghe không?”

Thằng Nam nghe má nói, gật lấy gật để. Ít khi nào má thấy nó lại hăng hái, nhanh nhẹn nghe lời má tới thế.

Bóng má vừa khuất, thằng Nam đã dí con chó, nheo mắt vừa nói.

“Phen này mầy chết nha Mật. Má tao đi rồi, xem ai ra mặt cho mày.”

***

“Ủa? Xe thằng Tư mà ta? Sao nay nó lại chạy qua nhà mình thế nhỉ?”

Chiều tối má mới về tới nhà. Trong cái làn nhựa, là nửa con gà, với ít thịt bò. Dạo này thằng Nam biếng ăn, má lo nó buồn vụ thi cử, may nay má xông xênh, nên mới mua được đồ ăn ngon. Thế nào mà vừa tới trước nhà bè, má đã nghe giọng cậu Tư.

“À, chị Hai đây rồi. Chị ra coi thằng con chị nè.”

Má vội vàng chạy lên trên nhà.

“Nó bỏ bả con Mật đó chị.”

Cậu Tư vẫn huyên thuyên mà má không nghe nổi lời nào vào tai nữa. Má nhìn thằng Nam. Nó đứng im, dựa sát vào cái cột, chẳng nói chẳng rằng. Rồi má không đả động gì tới thằng Nam nữa, má ôm con chó đang ngáp ngáp nằm trên mặt sàn, chạy ra xe đi cùng cậu Tư.

Tiếng bô xe bình bịch một hồi, rồi dần im ắng hẳn.

***

Má đi miết, tận khuya má mới về.

Lúc má thằng Nam về, mâm cơm đã bày sẵn. Thằng nhỏ thì ngồi thu lu trong cái chòi lá. Nhìn nó, má bực cũng không biết nên bực thế nào. Hẳn cậu Tư lúc sang cũng đã nạt nó một trận rồi. Nhưng, nghĩ tới nghĩ lui, nghĩ tới con mình dám bỏ bả để giết một con chó, nghĩ tới khoản tiền rửa ruột cho con Mật, má nghĩ mà má ức. Má trào nước mắt mà hỏi thằng Nam.

“Nó làm gì mầy mà mầy ác với nó thế hả Nam? Tao dạy mầy thế hả?”

Má thật muốn bổ cái óc thằng con mình ra, xem nó nghĩ cái gì. Mặt thằng con má vẫn lầm lì. Nó cúi gằm, không dám ngước nhìn má một lần nào. Má cũng thương nó lắm chứ bộ. Tía nó mất, nó chịu thiệt thòi bao nhiêu, má cũng ráng cho nó bằng người đấy chứ. Mà sao… Rồi má nghĩ gì, má quệt tay, lau hết nước mắt trên mặt.

“Tao chịu mày hết nổi rồi. Mày không đi học gì nữa, mốt xuống nhà cậu Tư học việc, xuống cho thằng Tư nó dạy. Tao là tao chịu, tao không nói được mày nữa rồi.”

Một khoảng im lặng dài. Má nói thế, thằng Nam cũng chẳng đáp trả nửa lời, nhưng mà má nghe thấy tiếng thút thít. Tay thằng nhỏ cũng nắm chặt thành nắm đấm.

“Tao làm gì mà mầy khóc? Mầy thi trượt cả tháng nay, tao cũng có mắng mỏ gì mày đâu. Giờ có con chó tao nuôi mày cũng tính giết nó chết. Mầy thấy tao chưa đủ khổ hả Nam? Hả? Mầy trả lời tao xem nào?”

“Má…”

Thằng Nam mở miệng. Nhưng lúc này, họng nó đã nghẹt cả. Giọng nó run rẩy, đứt quãng. Nó nghiến răng, cố kìm cơn nấc.

“Má có cần con…” Lúc này thằng nhỏ đã khóc òa lên. Chữ nào chữ nấy dính liền lấy nhau. “Má có cần con nữa không má? Con có là con má nữa không má?”

Thằng Nam khóc như đứt ruột. Nước mắt nước mũi tèm nhèm cả. Má thằng Nam đứng sững sờ. Thằng con má khóc tới đỏ bừng cả mặt, gân trán, gân cổ nổi hết cả lên. Từ lúc tía nó mất, má đánh nó, la rầy nó thế nào, nó cũng chưa bao giờ khóc trước mặt má. Thế mà…

“Mầy…” Má lắp bắp. “Mầy nghĩ cái gì không vầy đó.”

Má vừa thương vừa giận. Không biết thằng nhỏ nghĩ quẩn cái gì không biết. Má cứ đứng đực ra, tay chân luống cuống chẳng biết làm gì hồi lâu. Còn thằng Nam dường như chẳng nghe lọt được lời má. Nó cứ rấm rứt, úp mặt vào đầu gối mà khóc.

Một lúc lâu sau, má nhìn thằng con mình khóc nức nở, thở dài bất lực. Rồi má lại gần nó, tay má vỗ lên vai nó, xoa lưng cho nó nguôi cơn.

“Tao không có bảo tao bỏ mầy. Mầy thi trượt, tao hổng nói, nhưng vụ con chó, mầy làm vầy là hổng có được.”

Tiếng khóc thằng Nam đã nhỏ lại, chỉ còn tiếng nấc rưng rức.

“Mốt mày đi học việc, kiếm cái nghề mần ăn. Tao chẳng mong bây cao sang gì, chỉ mong bây sống ra cái mặt người thôi.”

Má ôm lấy thằng Nam. Vòng tay má ấm nóng, mềm mại quá. Thằng Nam chẳng dám ngẩng đầu, nó úp mặt lòng má, òa lên nức nở.

Trời ban đêm im lìm, tiếng khóc của nó lẫn trong âm vọng của tiếng sóng mênh mang, rì rào vỗ vào bờ đất.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
---------

“Serenata này, mình chuyển nhà đi.”

***

Giọng Mỹ đêm qua nhẹ tênh, cứ như thể chỉ là lơ đễnh buột miệng nói ra một suy nghĩ vẩn vơ chạy thoáng trong đầu. Tôi sẽ chẳng buồn bận tâm nếu như Mỹ không lặp lại thêm lần nữa - vừa lặp lại vừa cắm cúi hoàn thành đống công việc chưa xong ở chỗ làm.

Phòng chúng tôi đối diện nhau, hai cánh cửa phòng đều mở toang, đủ để tôi có thể trông thấy bóng dáng Mỹ. Tuy thế, gương mặt Mỹ đã khuất sau màn hình máy tính, tôi không rõ khi nói điều ấy rốt cuộc Mỹ đã có biểu cảm thế nào.

Tôi gặng hỏi nguyên do, nhưng Mỹ nhất định không chịu trả lời tôi. Đáp lại câu hỏi chỉ là chuỗi những âm thanh gõ phím lạch cạch kéo dài đến quá nửa đêm.

Tôi trở mình tỉnh dậy vào sáu giờ sáng nay, nằm lại trên giường với những suy nghĩ ngổn ngang miên man chảy trong đầu. Tôi nghĩ về Mỹ. Mỹ và tôi đã lớn lên cùng nhau trong ngôi nhà này. Từ khi mẹ chúng tôi còn sống, khi cha vẫn luôn chơi những bản dương cầm vào mỗi tối thứ bảy, cho đến khi căn nhà chỉ còn độc hai chúng tôi. Đồng hồ chỉ sáu giờ hơn, tôi bước ra hành lang, nhìn phòng Mỹ đối diện vẫn đóng cửa rồi lặng lẽ đi về phía cầu thang, chạm tay lên lan can gỗ đã sờn màu. Tôi vẫn còn nhớ hồi cả hai chúng tôi còn nhỏ, khi gia cố lại chiếc lan can này, cha đã nhắc nhở chúng tôi không được động vào đống ốc vít, máy cưa, hay búa và đinh của cha. Ấy thế, bao giờ cha cũng phải phàn nàn vì tật không nghe lời mà táy máy của Mỹ. Trong khi đó, tôi nhìn Mỹ, đứa trẻ nhỏ có đôi má bầu bĩnh hồng hào, và đôi mắt to tròn trong veo, cùng nhau khúc khích cười thầm vì đã thành công dành được sự chú ý từ cha. Cầu thang chỉ được làm từ loại gỗ xoàng, mấy tấm ván đã cong vênh cả, lại luôn kêu cọt kẹt đánh thức tôi mỗi khi Mỹ đi làm về muộn. Nhưng, trong kí ức của tôi, tiếng cọt kẹt ấy sẽ lẫn trong âm thanh cười giòn tan của Mỹ, trong tiếng chân dậm thình thịch tôi đuổi theo sau, tiếng mắng yêu của mẹ và tiếng dương cầm êm ái cha chơi. Âm thanh bản sonata Fur Elise, một bản Beethoven soạn chỉ có vài hợp âm đơn giản lặp lại, vẫn luôn vang lên đệm bên dưới những ký ức mà tôi, hay Mỹ, chưa bao giờ muốn quên.

Đột nhiên, tôi muốn dọn dẹp nhà cửa. Vì guồng làm việc bận rộn của Mỹ, nên việc bếp núc, lau dọn trong nhà đều là tôi đảm nhận. Bình thường, tôi chỉ dọn dẹp vào những ngày lẻ trong tuần, nhưng kể cả hôm qua đã lau chùi đâu ra đấy, tôi vẫn muốn mình dọn dẹp vào ngày hôm nay - một ngày chẵn. Có lẽ tôi sẽ xin khất lịch hẹn hoàn thành khăn tay của vài khách hàng trong chiều nay.

Tôi xuống nhà, đổ đầy một thau nước, lấy chiếc giẻ lau mà mình vẫn luôn dùng. Tôi cầm chổi và quét thật cẩn thận, cố lấy bằng sạch những đám bụi bám dính trong góc phòng. Căn nhà dù xây đã lâu nhưng vẫn còn tốt như trong tưởng tượng của tôi. Chẳng có mảng tường nào bị bong tróc, hay có bất cứ vết nứt nào xuất hiện. Lớp sơn vàng nhạt vẫn sạch sẽ, như thể ai mới quét lại ngày hôm qua. Nắng len qua những chớp cửa gỗ dưới tầng trệt, ngả trên lát gạch những vệt dài mơ màng. Ánh sáng vẫn chưa đủ sậm màu để tách bạch hẳn với phần bóng tối còn lại.

Tiếng Mỹ trở dậy lục đục vọng từ trên tầng. Giờ vẫn chưa tới bảy giờ. Dù giờ làm việc của Mỹ là tám rưỡi, Mỹ vẫn thường dậy sớm để bắt chuyến xe buýt tới chỗ làm. Khi Mỹ vội vàng xỏ đôi giày cao gót, cố gắng chỉnh trang chân váy đen và chiếc áo blazer cùng màu, Mỹ khẽ thì thầm với tôi thêm một lần nữa.

“Chiều về rồi mình nói chuyện nhé.”

Mỹ ôm tôi một cái, mở cửa, cố hết sức để tôi không trông thấy đám đông bên ngoài. Tiếng khóa cửa vang lên hai lần, mọi âm thanh đều đi theo Mỹ, biến mất sau cánh cửa. Tất cả vang vọng lại chỉ có bản Fur Elise đang xoay vần trong đầu tôi.

Không hiểu sao, tôi cảm giác mình đang chờ một lời phán quyết hơn một lời giải thích. Rằng có thể, Mỹ muốn kết hôn chẳng hạn. Hoặc, vì tính chất công việc nào đó, Mỹ sẽ rời đi. Dù thế nào, thì chúng tôi cũng bắt buộc phải chuyển nhà.

Tôi ngơ ngẩn nhìn quanh tầng một. Nhìn chiếc sofa màu xám, nhìn chiếc ti vi lớn chẳng mấy khi bật, kệ ti vi, bàn uống nước đơn màu, nhìn cả bồn rửa bát và chiếc bếp hồng ngoại. Toàn bộ nội thất trong nhà này đều là Mỹ sắm sửa từ khi cha mẹ rời đi. Mỹ đã chọn đi chọn lại từ kiểu dáng, màu sắc, thương hiệu, tỉ mẩn so sánh kích thước của chúng để đặt sao phù hợp với căn nhà này. Tất cả đều tinh tươm, sạch sẽ và chỉ dần vào ổn định khi Mỹ trả được toàn bộ phần trả góp vào đầu năm nay. Không lý gì Mỹ lại muốn bỏ lại tất cả để chuyển tới một căn nhà khác cả.

Có lẽ không có bất kỳ nguyên nhân bất đắc dĩ nào hết. Chỉ là Mỹ chán rồi, chán phải nuôi một đứa vô dụng lớn xác là tôi.

Bản Fur Elise vang trong đầu tôi chậm chạp kết thúc bằng việc lặp lại giai điệu ban đầu, sau khi chuyển sang một phần phát triển khó lường.

***

Dọn dẹp cả căn nhà xong cũng đã là chiều muộn. Tôi ngồi trên sofa chờ Mỹ trở về. Tiếc là đêm ấy chưa có lời phán quyết nào dành cho tôi: Mỹ không về nhà.

***

Chiều.

Tôi khoanh chân dưới sàn nhà, trân trân nhìn cửa ra vào. Không giọt nắng hay vụn âm thanh nào xuyên qua lớp cửa gỗ. Bốn bức tường đứng im lìm. Như thể tôi đang trong một cái hộp kín. Đâu cũng là trần, và đâu cũng là sàn được. Dần dà, tâm trí tôi lơ lửng ở đâu đó, cả người bồng bềnh hệt một con sứa giữa đại dương, một con sứa tôi từng thấy khi cha mẹ dắt tôi tới thủy cung từ hồi xa lắc xa lơ. Người tôi bỗng nhẹ bẫng, tôi để linh hồn mình xoay ba vòng múa ba lê, guồng chân chạy khắp nhà, để nó mở hộp cây dương cầm của cha, vừa nhấn những phím đàn thuộc lòng từ nhỏ vừa ngân nga hát một điệu nhạc cổ mà mẹ thích nghe.

Đó là những giờ phút giải trí trong ngày của tôi, sau khi đã dọn dẹp, và hoàn thành xong số đơn hàng dồn từ hôm qua. Tôi đã ở nhà suốt nhiều năm nay, có lẽ là bốn, năm, hoặc sáu năm, hoặc hơn thế. Quãng thời gian tôi không ra khỏi nhà lâu tới mức, tôi đã không cần sống với dòng chảy của con người nữa. Thời gian của tôi chỉ là giờ Mỹ trở về, và giờ Mỹ rời đi.

Mọi chuyện trở nên như vậy từ khi tôi trượt vào nhạc viện.

Sau khi trượt, gia đình tôi cũng lâm vào cảnh khó khăn, cha mẹ không sao chi trả nổi cho phí học đắt đỏ để tôi có thể thi lại vào năm kế tiếp. Thêm cả, tôi chẳng có gì ngoài tình yêu với âm nhạc, không thiên phú bẩm sinh, cũng không có khả năng giao tiếp dạn dĩ để giao lưu với ban nhạc nào khác. Hồi đó, dù tôi háo hức, cố gắng xin chơi đàn ở những quán cà phê thế nào, thì chỉ đôi tháng sau, ông chủ sẽ lại nói ý nhị với Mỹ, nhờ đưa tiền lại với tôi. Ông bảo, người trong quán không ưa chuộng những gì tôi đàn. Những bản nhạc tôi tự soạn dần dà trở thành chồng giấy lộn, chất đống trong góc bàn. Rồi tôi thôi chơi dương cầm, ở nhà phụ mẹ việc nhà. Không biết tại sao, kể từ đó, cứ động vào đàn cả người tôi lại run bần bật, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Tôi câm như hến và một cảm giác sợ hãi trào lên đến lợm họng. Nước mắt tôi cứ ứa ra dù tôi không có ý định sẽ bật khóc. Nỗi sợ cứ thế ngày một lớn hơn, lan ra cả những thanh âm khác, những đám đông khác, và tôi không sao che giấu chúng trước cha mẹ được nữa. Tôi không biết bác sĩ đã nói điều gì với cha mẹ. Tôi chỉ biết vào ban đêm, khi tôi ngủ say, linh hồn tôi sẽ thoát ra khỏi thân xác, đi xuống phòng cha mẹ, chứng kiến việc họ sẽ lại cãi nhau về phí học đàn của tôi một lần nữa. Trong thời gian đó, lúc nào Mỹ cũng cầm tay tôi, Mỹ nhìn sâu vào mắt tôi. Đôi mắt Mỹ trong veo, to tròn, đen láy, long lanh, phản chiếu cả hình ảnh của tôi trong đó. Mỹ chỉ im lặng nhìn tôi như thế, cái nhìn mà tôi không rõ là oán trách, là nghi ngờ, là động viên hay là an ủi nữa.

Ngược lại với tôi, một năm sau, Mỹ đã đỗ vào một trường đại học có tiếng theo nguyện vọng của mình. Mỹ cố gắng làm thêm những công việc lặt vặt, vừa đỡ đần cha mẹ chúng tôi, vừa tự lo học phí của mình. Tuy chúng tôi vẫn thường chí chóe những việc không đâu từ hồi nhỏ, nhưng tháng nào Mỹ cũng để dành chút tiền mua quà cho tôi. Một chiếc burnt cheese mứt cherry, một cuộn choco kem mận, một đĩa nhạc cổ điển, một chiếc đầm suông trắng tinh thoải mái, hay đôi khi chỉ là chiếc kẹp tóc thêu màu sặc sỡ.

Rồi Mỹ bắt đầu đi làm cả ngày, dần dà đi làm tới khuya, hoặc có những khi tăng ca, Mỹ không trở về nhà nữa mà ở lại công ty. Mỹ học thêm những khóa học trong cả hai ngày cuối tuần. Tôi không rõ cuộc sống của Mỹ ở bên ngoài thế nào, chỉ biết có một giai đoạn dài, vào những ngày đầu tuần, Mỹ lê lết trở về nhà, đổ gục trên giường và bật khóc. Tiếng khóc nhỏ thôi, cha mẹ chúng tôi đều không nghe thấy, nhưng tôi thì nghe được. Tôi trông lên trần phòng mình, lặng im cầu nguyện. Tôi ước gì số tiền những công việc tự do tôi làm có thể làm Mỹ bớt gánh nặng. Nhưng tôi chỉ biết cầu nguyện và cầu nguyện. Tôi đã không bao giờ dám bước ra để an ủi Mỹ, hay cố gắng gánh vác cùng Mỹ chuyện gia đình.

Giai đoạn khó khăn ấy rồi cũng qua đi. Tôi có nhiều khách quen hơn, và Mỹ ngày càng trưởng thành, tỏa sáng trên con đường Mỹ chọn. Đôi mắt Mỹ vẫn đẹp như hồi còn nhỏ, vẫn sáng trong, vẫn hàng mi dài và dày, nhưng chúng đã mất đi một điều gì đó mà tôi không sao nói rõ. Đôi má bầu bĩnh cũng đã biến mất, chiếc cổ ngày càng thanh thoát như một con thiên nga kiêu hãnh. Mỹ mặc những bộ quần áo đơn màu, đóng mình với vest và giày cao gót. Chúng đều tôn lên dáng vóc mảnh mai của Mỹ. Giờ đây, Mỹ của tôi đã không còn là đứa trẻ hay táy máy, ngồi cạnh tôi nghe tôi đàn, là người lẽo đẽo theo tôi ở mỗi quán cà phê trong thành phố. Mỹ đã có một đời sống khác, trở thành người con gái có năng lực, có sự nghiệp, và đủ khả năng để sống độc lập. Thật lòng, không chỉ một lần tôi đã ước mình cũng có thể sống như Mỹ.

Nhưng những ngày tháng ổn định ấy chẳng kéo dài được lâu, một thời gian sau, mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi. Khi mẹ đi, cha cũng không muốn ở lại căn nhà này nữa, cha trở về quê, ở cùng với một người chú họ sống một mình nhiều năm nay.

Tôi và Mỹ cùng tựa vào nhau và đứng dậy sau khoảng thời gian chông chênh ấy. Mỹ bắt đầu sửa sang lại nhà, đi làm trở lại, guồng công việc bận rộn có lẽ ít nhiều cũng đã khỏa lấp những nỗi buồn thương của Mỹ. Những ngày tháng này không hẳn hạnh phúc, nhưng nỗi buồn đã không còn gông cùm hay kéo chân cả tôi lẫn Mỹ nữa.

Chúng tôi đã cố gắng nhiều tới vậy, vì mái nhà này. Vậy mà… Tôi thực sự không hiểu vì sao Mỹ lại bảo tôi Mỹ muốn chuyển nhà.

***

Lại một ngày nữa tôi không gặp Mỹ.

Không phải vì Mỹ không về, mà Mỹ đã về vào sáng sớm, rồi rời đi nhanh chóng trước khi tôi kịp tỉnh dậy. Trên mặt bàn uống nước ngoài phòng khách là một bức thư Mỹ để lại.

Ngoài ra, dưới sàn nhà bếp, không hiểu vì lý do gì mà toàn bộ đống bát sứ đã bị xô đổ, vỡ tan tành .

***

“Serenata,

Bốn giờ chiều ngày kia người ta sẽ tới xem nhà chúng mình.”

Mỹ đã viết gì đó tiếp theo rồi gạch hết toàn bộ. Cả câu đều bị bôi đen không trông ra chữ gì.

“Em biết nên có sự đồng ý của chị trước nhưng em bận quá.”

Lại tiếp tục là hai hàng chữ bị gạch bỏ.

“Chị đã hỏi em vì sao em muốn chuyển nhà. Chẳng có thời gian nào để em gặp mặt và nói chuyện với chị cho rõ ràng, nên em đành viết thư gửi lại.

Chị biết mà, em làm mọi việc chỉ vì muốn tốt cho cả hai đứa mình. Em cũng không muốn làm chị lo lắng, nên vẫn chưa dám nói với chị. Cũng có thể chị sẽ thấy em thật hoang đường, đầu óc em có vấn đề hoặc đại loại thế. Nhưng xin chị, xin chị hãy tin rằng toàn bộ những gì em đang nói đây là sự thật.

Chị Serenata ạ, dạo gần đây em luôn có một giấc mơ. Em cứ mơ đi mơ lại, chúng ám ảnh em đến mức em thà không ngủ một giây một khắc nào còn hơn là tiếp tục gặp lại cơn ác mộng đó. Hẳn chị sẽ thấy em trẻ con chỉ vì một cơn mơ mà em lại hành xử thế kia. Nhưng chị hãy nghe tiếp đã. Những giấc mơ của em bao giờ cũng chỉ có chúng mình, chỉ có chị và em, vào những ngày khi chúng mình còn nhỏ. Em mơ mình chạy trên cánh đồng nhà chú Joan và chị nhớ chứ, khi đó chị đã đuổi theo em. Chúng ta vịn lấy nhau, đẩy và kéo, rồi bất chợt chị nhìn em, chị bảo rằng mắt em thật đẹp. Em thấy gương mặt chị gần sát em, thấy cả hơi thở của chị ấm nóng như thể toàn bộ đều là sự thật. Niềm hạnh phúc khi ấy lần nữa loang ra khắp cơ thể. Chúng khiến em bật cười và ôm lấy chị trên cánh đồng hoa. Gió thốc qua chiếc váy xanh của chị. Nhưng rồi, không hiểu sao em thấy tay mình ươn ướt. Khi em nhìn xuống lần nữa, chiếc váy xanh của chị nhuốm đầy một màu đỏ tanh lòm, rồi đột nhiên người chị mềm oặt trên tay em. Và em đã thấy nó. Em đã thấy chị ạ. Một con dao. Một con dao cắm xuyên qua bụng chị. Một con dao gọt hoa quả thôi, nhỏ nhưng sắc khủng khiếp. Chúng cướp đi toàn bộ ánh sáng trong mắt chị. Em không sao nhìn thấy mình trong đó nữa. Em gào thét. Em điên cuồng chạy về phía nhà chú Joan, chạy về phía cha mẹ. Phải có ai đó cứu hai chị em ta chứ. Em chạy, chạy và hét đến khản cổ. Hét đến khi em kiệt sức. Nhưng không, chẳng có ai cả. Chỉ có tiếng vọng của em heo hút trên cánh đồng vàng đẹp rực rỡ chói lọi. Bao giờ tỉnh dậy em cũng thấy gối mình ướt nhẹp.

Đôi khi khung cảnh giấc mơ sẽ thay đổi, rằng nó chỉ nằm ngay trong căn nhà của chúng ta mà thôi. Em và chị cùng mở hộp dương cầm của cha, ta múa ba lê, xoay ba vòng rồi guồng chân chạy đuổi nhau. Em sẽ ngồi cạnh chị, là người đầu tiên nghe những bản nhạc chị tạo ra. Tiếng cười của chị lẫn trong tiếng mắng yêu của mẹ, trong tiếng cọt kẹt của cầu thang. Rồi em sẽ ngân nga hát một điệu nhạc cổ mà mẹ thích nghe. Nhưng cuối cùng, mặc cho em có làm thế nào, có tránh ra sao, máu cứ đỏ lòe đỏ loẹt trong những giấc mơ. Máu của chị loang ra, đổ đầy trên bàn tay em, trong con dao em đang cầm. Vẫn là con dao đó, con dao gọt hoa quả đó.

Nhưng nếu tất cả chỉ dừng lại ở giấc mơ thì thật tốt. Sáng hôm kia, khi em tỉnh dậy, em thấy mình đang đứng trong phòng của chị. Em nghe thấy tiếng chị thở khẽ khàng, ngực chị phập phồng lên xuống êm đềm. Chỉ là trên tay em lại là con dao đó. Và kỳ lạ là trong tai em lùng bùng những ý nghĩ mà em thề chưa khi nào em dám nghĩ tới điều đó. Em suýt nữa đã giật mình mà đánh rơi con dao. Nhưng em đã đủ bình tĩnh để có thể tỉnh táo trở lại, rời đi mà không đánh động tới chị.

Và ngày hôm nay, chị có thể thấy, đống bát vỡ ở trong nhà bếp. Chính em là người đã đập chúng chị ạ. Chính tay em đã đập vỡ chúng khi không có một ý thức nào.

Em sợ, em thật sự rất sợ.”

Tôi ngừng lại một chút. Dường như hít thở có chút khó khăn hơn bình thường. Tôi cố bình tâm và đọc tiếp.

“Em nghĩ việc chuyển nhà sẽ phần nào giúp ích cho tâm trạng em. Có lẽ tình trạng này sẽ thôi diễn ra. Em cần phải chuyển nhà, Serenata ạ. Xin chị hãy hiểu cho em.

Tất cả mọi chuyện em đều đã kể hết ở đây. Thật tốt vì em có thể viết ra thế này. Chị cũng thông cảm cho sự im lặng của em nhiều ngày nay, vì em thực sự không biết mào đầu thế nào khi đối diện với chị nữa.”

Tôi gấp lại tờ giấy, trân trân nhìn chiếc cửa ra vào.

Mỹ cần gặp bác sĩ, chứ không phải là chuyển nhà.

***

Mỹ trở về khi hoàng hôn buông xuống. Tiếng khóa cửa vang lên hai lần. Ánh nắng men theo phần cửa mở, trải trên gạch nhà một khoảng vàng sậm. Tôi nghe tiếng của người phụ nữ nhà bên cạnh, họ chào Mỹ và nói chuyện dăm ba câu.

Tiếng cửa đóng vang lên, Mỹ bước vào nhà. Nụ cười niềm nở của Mỹ dần tắt hẳn. Gương mặt Mỹ lộ rõ những mệt mỏi của nhiều ngày không ngủ đủ giấc. Mỹ nhanh chóng bật loa bluetooth, rồi nằm vật ra sofa. Một bản Minuet tươi sáng vang lên.

Tôi để Mỹ nằm như thế trong khoảng một tiếng. Tôi dọn mâm bát trong lúc chờ đợi, lẩm nhẩm những điều mình cần nói và cố dặn lòng mình có thể nhớ kỹ, không bỏ sót điều gì.

“Mỹ này”, tôi lay Mỹ tỉnh.

Mỹ hơi động người nhưng vẫn chưa muốn dậy. Cả hai bên mắt của Mỹ đều thâm quầng.

“Mỹ, Mỹ.” Tôi tiếp tục gọi Mỹ. “Mình nói chuyện một chút được không Mỹ?”

Bản nhạc không lời vẫn vang vọng, những nốt nhạc cao như loang ra, át đi âm thanh của tôi, những âm thanh đã rất lâu tôi không bao giờ thốt ra một cách thực thụ.

“Mình nói chuyện về việc chuyển nhà được không em?”

Lần này thì Mỹ bật dậy. Nhưng Mỹ vẫn không nhìn tôi. Mỹ đứng dậy khỏi sofa, trở vào nhà bếp và bắt đầu bật bếp. Có lẽ Mỹ muốn làm thêm thức ăn?

“Chị nghĩ mình có thể tìm gặp một bác sĩ tâm lý.”

Mỹ mở tủ lạnh, lấy ra hai quả trứng nhỏ. Trong khi chờ đợi trứng chín, Mỹ lấy chổi và quét nhà, cố gắng quét sạch những chỗ trong góc phòng. Trong toàn bộ chuỗi hành động, Mỹ đều tránh không muốn đối diện tôi.

“Em thấy sao? Giấc mơ em gặp phải có lẽ là do em đang gặp áp lực công việc quá. Liệu em có thể nghỉ một hai ngày được không em? Tình trạng của chị hơi khó để ra ngoài đường, em tự mình đi sẽ ổn cả chứ hả Mỹ?”

“Em không muốn tới bệnh viện.”

Mỹ vừa trả lời, vừa quét đi quét lại một góc nhà. Mỹ loay hoay mãi ở khu bếp.

“Mình chỉ cần chuyển nhà thôi.”

“Tại sao em lại không muốn tới bệnh viện? ”

“Mình chuyển nhà đi chị.”

Tôi cứ gặng hỏi, nhưng những gì đáp trả chỉ là câu nói lặp đi lặp lại rằng Mỹ muốn chuyển nhà. Thái độ của Mỹ thật sự rất bất hợp tác và nó trái ngược hoàn toàn những gì Mỹ viết trong bức thư Mỹ để lại. Tiếng nhạc bản Minuet vẫn tươi vui, nhanh và sáng, mặc cho không khí giữa tôi và Mỹ ngày càng căng thẳng.

“Rốt cuộc em có thật sự gặp giấc mơ như em đã viết hay không?” Tôi dần trở nên mất kiên nhẫn. “Nếu đúng là vậy, thì chuyện chúng ta cần làm là gặp bác sĩ tâm lý. Còn không thì em hãy nói cho chị biết đi Mỹ, em tại sao lại muốn chuyển nhà? Đây là căn nhà từ nhỏ chúng ta đã sống mà em. Và hơn cả, chúng ta… chúng ta đã…” Tôi không hiểu sao lại bật khóc. Cơn lợm họng lại tràn lên trên ngực. Tôi thấy niềm bất lực khi không sao nói thành lời đổ úp lấy mình.

“Chị không cần biết chuyện đó.” Mỹ lạnh lùng đáp lại. Mỹ lấy giẻ lau tôi vẫn thường hay dùng và bắt đầu chà kệ ti vi.

Chỉ có tiếng khóc của tôi nức nở vang lên cùng âm thanh kim giây đồng hồ gõ lên mặt kính.

“Tại sao chị lại khóc hả chị Serenata?”Mỹ cao giọng gắt gỏng.“Em cũng có bao giờ hỏi lý do vì sao chị cứ mãi trong nhà và không chịu ra ngoài đâu? Em đã bao giờ cố ép chị thay đổi một lần nào chưa? Cả ngày hôm nay em đi làm thì chị làm được những gì rồi? Em vẫn luôn chiều theo mọi sở thích của chị. Thế mà tại sao…?” Mỹ buông thõng chiếc giẻ, quay lưng về phía tôi. “Mà nếu chị đã quyết ở mãi trong nhà thì em đã bảo chị đừng để người khác biết tới chị, nhưng có khi nào chị nghe em đâu hả Serenata? Người hàng xóm mới tới vừa nói gì với em chị biết chứ? Họ nói về bản nhạc mình đánh vào mỗi khi hoàng hôn xuống. Là em chơi hả chị?”

Tôi sững sờ nhìn Mỹ.

“Chị không… Chị không có.” Tôi lắc đầu phủ nhận.

“Vậy tiếng đàn từ đâu mà ra?”

Tôi nuốt nước bọt. Chưa khi nào tôi động vào đàn, nhưng tôi vẫn thường tưởng tượng mình mở hộp dương cầm của cha. Chẳng lẽ nào…

“Em biết mà, chị không thể…”

Lúc này Mỹ đứng dậy. Gương mặt Mỹ nghiêng nghiêng. Tôi nhìn môi em, sống mũi thẳng của em, nhìn lên đôi mắt em dù chúng đang không nhìn vào tôi. Đôi mắt em vẫn to tròn, chỉ là tôi không sao tìm được vẻ long lanh, trong sáng hay dáng hình mình trong đó nữa.

“Chúng ta sẽ chuyển nhà, chị Serenata ạ. Toàn bộ những gì em muốn nói, em đều đã nói hết rồi.”

***

Bốn giờ chiều hôm sau.

Tôi trốn tiệt trong phòng. Ở dưới tầng là giọng của người tới mua nhà. Đó không phải là một ai xa lạ. Tôi nghe giọng và tiếng cười khàn khàn đủ để biết đó là ông Sơ Mi Hồng - người vẫn luôn tới vào cuối tuần và ngồi lại cho đến khi chiều muộn, tôi đã tưởng ông ta muốn tán tỉnh Mỹ.

“Chào cô Mỹ.”

“Vâng chào ông. Không biết đến bao giờ ông sẽ chuyển tới đây?”

Mỹ tiếp ông Sơ Mi Hồng bằng tông giọng lịch sự thường thấy. Xen giữa cuộc hội thoại là tiếng lách cách của chiếc ấm và chén cũ, cùng âm thanh sôi nước của bình siêu tốc.

Ông Sơ Mi Hồng là một bác sĩ già cả, chuyên khám cho trẻ em, và giờ đã nghỉ hưu. Mớ tóc điểm bạc của một người đàn ông trung niên hẳn sẽ chẳng khi nào hợp với chiếc áo sơ mi màu hồng phớt nhàn nhạt, thêu hình con thỏ ở túi áo trước. Nhưng ông Sơ Mi Hồng thì khác. Chiếc áo như sinh ra dành cho ông. Gương mặt với nhiều nếp nhăn già cả và phần mỡ kéo trùng hai bên má. Ông đeo một cặp kính lão không viền. Cái bụng bia lớn, cơ thể mập mạp chắc nịch. Tất cả khiến ông toát lên một vẻ hiền lành, đáng tin cậy. Chỉ tiếc là tôi vẫn chưa thể quen với sự có mặt của ông dưới mái nhà mình.

“Cảm ơn cô Mỹ, chắc là cuối tuần này thôi. Chúng ta là chỗ quen thân từ trước, tôi cảm thấy mình rất may mắn.”

Tôi không nghe rõ hai người tiếp tục trao đổi gì với nhau. Sau một tràng cười và âm thanh mở tủ lạnh, tôi nghe giọng ông Sơ Mi Hồng điềm đạm.

“Cô Mỹ này, cô có biết vì sao ngay từ lần đầu tới thăm, tôi đã muốn mua lại căn nhà của cô không?”

“Ồ, ra ngay từ đầu ông đã nhắm tới căn nhà chứ không phải là tôi à? Người ta cứ đồn về chuyện ông có ý với tôi suốt đấy.”

Tôi nghe tiếng khúc khích cười, nhưng ông Sơ Mi Hồng không đáp lại trò đùa của Mỹ.

“Thế thì tại sao? Ông chưa từng kể thì phải.” Mỹ tiếp tục câu chuyện.

“Nói thật…” Ông Sơ Mi Hồng kéo dài giọng. “Dù tôi là người trong cuộc nhưng đến tôi cũng không biết phải hiểu chuyện đó thế nào.”

“Thật trùng hợp, tôi cũng đang gặp phải một vấn đề mà chẳng biết giải quyết thế nào đây.”

Tiếng rót nước cắt ngang cuộc trò chuyện. Phải mất một lúc, ông Sơ Mi Hồng mới mở lời tiếp tục.

“Đầu năm ngoái, tôi đã đem bỏ tất cả những chiếc gương ra khỏi nhà mình cô Mỹ ạ.”

Tiếng quạt chạy ù ù trong nhà lẫn với tiếng tích tắc chậm chạp.

“Hẳn cô cũng biết, bà nhà tôi đã mất vào tháng Giêng. Bà mất trong giấc ngủ, rất nhẹ nhàng và không đau đớn gì. Đó thực sự là một niềm an ủi với tôi về sự ra đi của bà ấy. Nhưng trước khi vợ tôi ra đi, bà ấy đã gieo cho tôi một niềm ám ảnh. Một niềm ám ảnh mà từ đó trở về sau, tôi không sao nhìn gương một cách bình thường được nữa.”

Tôi căng tai lắng nghe nhưng không thấy âm thanh nào tiếp tục. Có lẽ Ông Sơ Mi Hồng đang cố gắng tìm câu nối tiếp.

“Thế nào nhỉ? Chuyện xảy ra vào đúng cái đêm vợ tôi đã mất. Đêm ấy tôi đã nằm bên cạnh bà. Chúng tôi vốn không hay chuyện trò trước khi ngủ, nhưng không hiểu sao, vợ tôi đột nhiên bắt đầu kể cho tôi một chuyện. Rằng vào buổi chiều, bà đã nhìn thấy sự thật. Tôi ngơ ngác và hỏi bà thế là thế nào. Bà ấy chỉ mỉm cười và lặp lại lần nữa với tôi, bà ấy đã nhìn thấy tất cả, đã thấu tỏ sự thật. Thực lòng, tôi và bà nhà đều không tin vào tâm linh. Tôi cảm thấy điềm không lành, và e rằng bà tôi đã bị một nhóm người xấu nào dụ dỗ. Nhưng thái độ chắc chắn của bà ấy khiến tôi hoàn toàn không biết phải phản bác thế nào. Hơn cả, chiều nay tôi cũng về nhà sớm và không thấy bà có ra khỏi nhà. Rồi câu hỏi kế tiếp của bà khiến tôi hoàn toàn lạc lối cô ạ. “Anh có tin không Matthew? Rằng chúng ta vốn không hề biết rõ về chính mình như ta tưởng?”. Tôi hoàn toàn ngơ ngác. Tôi chẳng hiểu rốt cuộc vợ mình đang nói thứ quái quỷ gì. Rồi bà ấy lại nhìn tôi và mỉm cười: “Ví như nếu không nhìn vào gương, ta đâu thể nào biết về gương mặt của mình chẳng hạn. Vì lẽ gì mà con người do trời sinh ra lại bị tước đoạt mất cái bẩm năng biết thiết cốt là tự nhìn thấy được gương mặt của chính mình? Nếu có được bẩm năng ấy, con người chắc sẽ hoàn toàn bối rối hoặc mất trí chăng? Kawabata đã nói thế đấy anh Matthew”. Bà ấy ngừng lại, rồi cười thần bí: “Và quả là em đã rối trí thật khi có thể tự nhìn thấy chính mình. Chiều nay, em đột nhiên có một ý nghĩ rằng liệu có khi nào ảo ảnh trong chiếc gương kia có thể tách ra khỏi em và trở thành một bản thể riêng biệt hay không. Em biết anh nghĩ em điên rồ. Nhưng Matthew, anh phải tin em. Em thực sự đã nhìn thấy điều ấy. Khi quan sát vào gương đủ lâu, em thực sự có thể tách mình ra khỏi ảo ảnh trong gương, trở thành một bản thể thứ hai riêng biệt. Em không biết rốt cuộc cơ chế nào đã hoạt động để chuyện ấy diễn ra. Em chỉ biết rằng, khi đó, em thấy mình từ bên trong lớp kính mờ nhìn ra ngoài thế giới thực. Thế giới bên kia chỉ khác bên này ở chỗ, mọi thứ đều nằm ở phía bên trái ngược lại, còn đâu mọi thứ đều có hình khối, có chiều sâu, và hệt như nơi mà anh và em đang sống vậy. Em đã thử bước ra mặt phản chiếu ấy để nhìn gương mặt mình, soi xét nó, sờ nắn nó, trông vào điểm lệch ở bên đôi môi và thấy vết sẹo lồi đằng sau cổ mà chưa khi nào em được thấy nó dù em biết vết sẹo luôn ở đó. Điều này làm cả người em trở nên phấn khích lạ thường. Em như được sống một lần nữa vậy. Em không rõ liệu đây có phải giải thoát hay không, chỉ là… Nó thật tuyệt. Nếu có thời gian, anh hãy nhìn kỹ vào gương nhé, hãy nhìn kỹ vào từng chiếc gương một, đừng bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào. Rồi anh sẽ thấy”. Vợ tôi đã nói một cách thần bí như thế. Tôi chỉ biết bật cười trước những gì bà ấy nói. Ấy thế, bà ấy đã nghiêm túc ngay lập tức mà bảo rằng: “Anh đừng có cười cợt thế, sự thật thì phải nhìn bằng mắt anh Matthew ạ”.

Rồi chúng tôi đi ngủ, và đêm đó vợ tôi đã ra đi mãi mãi. Ra đi trong khi để lại cho tôi những câu hỏi chưa được trả lời. Khi tôi tỉnh dậy, người bà đã lạnh ngắt từ bao giờ. Cái lạnh ngắt làm tôi thấy sợ. Chúng khiến tim tôi như đập hẫng một nhịp. Suốt đám tang của vợ mình, tôi không tài nào tỉnh táo cho được. Tôi cứ ngẩn ngơ trước bất kỳ một mặt phản chiếu nào. Vợ tôi đã cố nói điều gì với tôi, bà ấy đã nhìn thấy gì trước khi mất. Dần dà, niềm ám ảnh khiến tôi mệt mỏi tới mức tôi đem bỏ toàn bộ những chiếc gương trong nhà mình. Tuy vậy, gia đình nhỏ của các con tôi đã phàn nàn rất nhiều. Vì vậy tôi đã suy tính tới việc chuyển ra ngoài ở riêng. Ngay khi tôi vô tình tới nhà cô, ngay khi tôi phát hiện nhà cô hầu hết đều làm từ gỗ, không có cửa kính, cũng không chứa bất kỳ một chiếc gương nào, tôi đã biết nó phải là của mình.”

Một khoảng lặng rất dài. Khi tôi vẫn đang co ro trong phòng mình, đột nhiên tôi lại thấy giọt nước rơi trên mu bàn tay. Tôi ngẩng đầu nhìn lên trần, nhưng không thấy chỗ nào mưa dột. Tôi sờ tay lên má mình, không biết sao lại thấy ướt nhòa.

“Có lẽ ông chưa biết rồi, ông Matthew ạ.” Giọng của Mỹ vang lên, nghe nhẹ tênh và mỏng tang. “Nhà tôi có một chiếc gương trên tầng. Chỉ là tôi đã phủ vải nó nhiều năm nay.” Rồi Mỹ bỗng hỏi tiếp một câu chẳng hề liên quan. “Mà ông Matthew này, ông có muốn nghe một sự thật của tôi không?”

Không có tiếng ông Sơ Mi Hồng tiếp lời, nhưng Mỹ đã tiếp tục kể cả khi chưa có câu đáp lại nào.

“Tôi chưa từng nộp đơn đăng ký vào nhạc viện cho bất kỳ ai.”

Mỹ nói lạnh tanh, điềm nhiên, như thể đang nói về một câu chuyện của người khác chứ không phải của tôi hay của Mỹ.

***

Thực ra tôi biết việc ấy từ lâu.

Rằng Mỹ không hề nộp đơn đăng ký vào nhạc viện mà tôi đã nhờ Mỹ giúp. Chúng tôi đều tránh nhắc lại điều đó nhiều năm nay. Và có lẽ việc Mỹ dung túng cho tôi cũng là vì Mỹ thấy tội lỗi thuộc về mình.

Nhưng, đến bây giờ, tôi nghĩ rằng những lời Mỹ nói hồi ấy không hề sai.

“Serenata, chị biết mà. Chị biết ước mơ của chị viển vông cỡ nào phải không? Chị muốn trở thành một nhà soạn nhạc. Chị muốn trở thành một người vĩ đại. Chị muốn sống với nhạc, chị tha thiết với nó, chị mong muốn chạm vào nó mà không hủy hoại nó. Nhưng Senerata, chúng ta không thể. Chúng ta không đủ khả năng Serenata ạ. Chị nghĩ ai sẽ nghe thứ âm nhạc của ta hả chị? Mà hơn cả, nếu như buộc lòng phải sống, phải kiếm tiền từ âm nhạc, chị phải đánh đổi làm ra thứ nhạc tạp nham, chị thật sự chịu được ư? Chị thật sự sẽ dám kiếm tiền mà không một chút nào tội lỗi ư Serenata? Con đường mình phải đi sẽ dài, sẽ xa, sẽ khó khăn lắm, và chúng ta không thể dựa dẫm vào cha mẹ mãi được chị Serenata ạ.”

Tôi đã vờ như mình chẳng hề biết Mỹ bỏ lại đơn đăng ký vào nhạc viện của tôi khi Mỹ rời đi. Tôi chỉ im lặng, nằm đó và khóc, đổ lỗi cho Mỹ bao nhiêu năm nay, rằng tại Mỹ, tại Mỹ mà đời tôi mới bất hạnh thế này.

“Serenata ạ, em sẽ kiếm tiền. Rồi một ngày mở mắt ra chị chỉ cần học và làm nhạc, học và làm nhạc. Rồi chị sẽ khỏe lại, chị sẽ trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Nhất định là thế. Gia đình mình sẽ trở lại như xưa. Chị hãy chờ em, chị hãy chờ em chị Serenata nhé.”

Tôi đã vin vào lời hứa của Mỹ, tôi đã chờ Mỹ giải thoát cho tội lỗi và sự hèn nhát của tôi.

Rồi khi mẹ mất, lời hứa của Mỹ đã không thể thành hiện thực. Gia đình chúng tôi không thể như xưa được nữa. Kể từ đó, Mỹ bắt đầu tránh nhìn mặt tôi. Tôi thì vẫn luôn kín đáo dõi theo Mỹ, lặng lẽ ở cạnh Mỹ, vờ như những hành xử của Mỹ chẳng có gì kỳ lạ. Rằng Mỹ đã lớn, rằng Mỹ vẫn ổn, rằng Mỹ cần thời gian cho những công việc quan trọng khác. Chúng tôi không có một lần nói chuyện tử tế nào. Tôi đã cố an ủi rằng chúng tôi hoàn toàn bình thường.

Nhưng chưa bao giờ, phải, chưa bao giờ mọi thứ trở lại bình thường. Nỗi bất lực đã bao giờ biến mất mỗi khi tôi nhìn thấy chiếc dương cầm của cha? Đã bao giờ những đau đớn tủi hổ, những tội lỗi dằn vặt của tôi biến mất trong bóng tối? Tôi chỉ giả vờ như mình hoàn toàn ổn, vờ như mình không hề biết những gồng gánh của Mỹ trong lớp quần áo em chẳng thích, trong những niềm đau, những ép nẹp em tự trói cho mình. Để rồi chúng mình đang tiến về đâu, hả Mỹ?

Suy cho cùng, tôi chỉ là một kẻ thất bại hèn nhát. Tôi cứ nghĩ rằng chỉ cần mình chịu đựng thêm chút nữa, mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại. Có chăng, tất cả những né tránh đều là vì tôi chỉ muốn ước mơ nằm xa tôi, tươi sáng sống ở một thế giới khác, một thế giới mà tôi sẽ không chạm vào nó, không bao giờ vấy bẩn lên nó.

Tôi đã tin rằng chỉ cần không có bắt đầu, mọi sự sẽ được vẹn nguyên.

Nhưng hóa ra, chính tôi, chính tôi mới là người đã đưa con dao để Mỹ tự tay đâm chính mình.

***

Tiếng khóa cửa vang lên hai lần. Ông Sơ Mi Hồng đã rời đi. Toàn bộ cuộc hội thoại phía sau tôi đều không nghe được nữa. Tiếng khóc thút thít của tôi át đi tất cả. Không hiểu sao cơn đau cứ dội lên, quằn quại và bóp nghẹt trái tim tôi. Những ký ức chạy loạn trong đầu, làm tôi chẳng còn rõ mốc thời gian nào có trước và mốc thời gian nào chạy sau. Gương mặt Mỹ và gương mặt tôi loang lổ, chồng chéo lẫn nhau xuyên suốt tất cả những thước phim xưa cũ.

Tiếng cọt kẹt của cầu thang gỗ vang lên lẫn trong bản sonata Fur Elise cha thường hay chơi, tôi nghe tiếng bước chân Mỹ chầm chậm dọc hành lang. Tôi biết Mỹ đứng trước cửa phòng, đang ngồi xuống và đợi tôi bình tâm trong thinh lặng. Những nốt nhạc ngân nga vang vọng giữa mặt gương ngăn cách chúng tôi - một mặt gương ở hành lang vốn bị phủ vải có lẽ đã bốn, năm, sáu năm hoặc hơn thế.

Tôi lấy hết can đảm ngẩng đầu lên, chạm mắt Mỹ. Đôi mắt Mỹ trong veo, to tròn, đen láy, long lanh, đang ướt nhòe nước. Chúng nhìn sâu vào tôi, soi chiếu tôi, và đã rất lâu, rất rất lâu, lại một lần nữa, tôi mới được thấy dáng hình mình nằm trọn trong đó.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Đá lăn về phía núi. Theo đà của một triền dốc đổ, Đá xuyên qua khu rừng Kỳ Lạ, hướng về chân dãy Sừng Hươu - lằn ranh ngăn cách địa phận của hai vương quốc Uto và Pia. Đá không quan tâm lắm tới những cái tên, Đá chỉ biết mình cần phải đến chân núi - thứ đang sừng sững đứng im, bất di bất dịch, chắn ngang đường chân trời. Tự khi khai sinh ý thức, Đá hiểu đó là đích đến cuối cùng của Đá, rằng, Đá thuộc về núi và núi cũng chính là Đá.

Đá cứ thế lăn, lăn mãi. Không biết đã bao lâu, chỉ biết rằng Đá lăn từ khi còn là một viên đá nhỏ bằng bàn tay cho đến lúc lớn bằng một chiếc bánh xe ngựa. Lăn cho đến lúc Đá thấy mình mọc ra hai chân như người, thấy mình nghe được tiếng côn trùng rả rích nơi rừng già, thấy cả mùi sàn sạn dậy lên trong đất ẩm.

Đá đột nhiên hóa người.

Chuyện lạ này xem ra cản trở Đá không ít. Suốt cuộc hành trình, đã mấy bận, Đá phải dừng lại nghỉ chân trong khu rừng Kỳ Lạ. Đá không quen thân thể này, chúng nặng nề quá, lại chẳng phải lúc nào cũng nghe lời Đá. Nghĩ mãi, Đá cũng không sao hiểu được. Cớ gì Đá lại hóa người? Chẳng phải đằng nào Đá cũng sẽ trở về với núi hay sao?

“Này!” Cho tới khi ra tới cửa rừng, một giọng nói cắt ngang những suy nghĩ miên man trong Đá. “Đằng ấy…” Nắng không lọt qua những tán cây rậm rạp nơi khu rừng già, chỉ có mảng ánh sáng ở phía ngoài cửa rừng hắt vào trong này, đủ để trông rõ hình dạng của thứ trước mặt. Ra là một con mèo hoang lông vằn đang ngồi chễm chệ trên một chạc cây. “ Đằng ấy định đi đâu thế?” Con mèo kéo dài giọng, đôi mắt vàng không kiêng dè nhìn chằm chằm Đá từ trên xuống dưới.

“Mình là Đá. Mình đang lăn về núi.”

Con mèo hoang thả chiếc đuôi lửng lơ giữa không trung. Nó ve vẩy lắc lư chiếc đuôi từ trái sang phải một cách chậm rãi.

“Ồ.” Con mèo híp mắt, hướng ra phía ngoài cửa rừng. “Đằng đó… Làm gì có dải núi nào?”

Đá chậm chạp xoay người, nâng tay, chỉ cho con mèo xem:

“Mình đã thấy nó. Đứng từ đây cũng có thể thấy nó.”

Nơi chân trời đằng Đông, ẩn dưới lớp lớp mây mù dày đặc, hai ngọn núi cao vút hẳn lên so với những triền đồi khác, trông hình dạng của chúng chẳng khác nào một chiếc sừng hươu.

“Anh bạn nhầm rồi.” Con mèo đột nhiên cào móng lên thân cây. Tiếng động làm Đá bất giác rùng mình một cái. “Không có ngọn núi nào ở đó cả. Phía ấy chỉ là một thung lũng, gọi là Nhà Tù. Kẻ Bên Trong dựng lên ảo cảnh vậy thôi. Mà cũng có thể có núi thật ở đó…” Con mèo hoang lại dài giọng. “Nằm đằng sau Nhà Tù đó chẳng hạn. Tôi chẳng bao giờ ra khỏi rừng, cậu hỏi về rừng tôi còn trả lời được. Chứ tôi chỉ biết nếu cậu cứ đâm thẳng thì sẽ tới thung lũng Nhà Tù…”

Con mèo khẽ nhún vai. Đá im lặng suy tư, rồi mới cất tiếng.

“Vậy tức là, giờ mình phải băng qua Nhà Tù mới tới được núi.” Đá ngước mắt nhìn con mèo, chậm chạp cúi đầu. “Cảm ơn cậu.”

“Báo trước cho đằng ấy biết, không dễ vào, mà đã vào thì cũng khó để trở ra.”

“Cảm ơn cậu.” Đá kéo hai bên miệng, nặn ra một nụ cười thật tự nhiên, lặp lại lần nữa.

“Nếu cần giúp đỡ thì tới đây tìm tôi, chỉ cần một con cá béo và hai đồng xi linh.”

Đá gật đầu rồi lại tiếp tục bước ra khỏi cửa rừng, men theo triền dốc, hướng về nơi mà con mèo hoang đã nhắc tới - Nhà Tù.

***

Trên sân thượng cao nhất cung điện vương quốc Uto, Hoàng Tử thứ bảy của Đức Vua ung dung thưởng ngoạn phong cảnh với người đầy tớ trung thành của mình. Cái nắng hanh đổ trên mái tóc vàng óng và gương mặt điển trai của chàng.

“Thời tiết thật đẹp. Ngươi sẽ đem cho ta tin tốt nào?” Hoàng Tử nhìn tên cận thần trung thành của mình đang quỳ mọp trên nền gạch.

“Quả có một con đường xuyên qua chân núi Sừng Hươu thưa Hoàng Tử. Nhưng con đường đó đã bị chặn lại bởi một bức tường. Hiện thần vẫn chưa dám phá vì sợ rằng…”

Hoàng Tử bất chợt quay người, lặng lẽ nhìn tên cận thần. Đôi mắt màu xanh dương của chàng trong thế ngược sáng, chỉ điềm tĩnh, không gợi lên bất kỳ gợn cảm xúc nào. Trông thấy mũi giày của Hoàng Tử chĩa về phía mình, gã cận thần nhanh chóng cúi đầu thấp hơn.

“Là lỗi chậm trễ của chúng thần. Thần xin chịu phạt.”

Tiếng gió vẫn ù ù reo bên ngoài tầng thượng cao nhất của cung điện vương quốc Uto.

“Còn gì nữa?”

“Về công chúa xứ Pia, công chúa sẽ không tỉnh lại bởi bùa chú của phù thủy. Thần đã rao tin về “nụ hôn đích thực” cho đám trẻ sống giữa địa phận hai xứ. Chỉ trong nay mai, sứ giả Pia sẽ sớm vời các hoàng tử thành lân cận tới cứu giúp. Ngay lúc này, tình trạng bên đó đang vô cùng rối ren. Kế hoạch của Hoàng Tử đã thành công. Chỉ sợ tay phù thủy chúng ta đã gài từ trước…”

Hoàng Tử quay gót, đi tới rìa sân thượng. Chàng ngắm nhìn khung cảnh của xứ Uto nước mình. Những hải cảng đầy tàu của phú thương đậu bên bờ sông ngoài thành, cánh rừng rậm rạp bao phủ phía xa, ôm tới chân dải núi Sừng Hươu. Nhưng sẽ sớm thôi, Uto sẽ kéo dài mãi, qua tận dãy núi cao lớn cuối đường chân trời, kéo đến nơi thung lũng trù phú đầy những mỏ vàng trong truyền thuyết xứ Pia. Bất chợt, một cơn đau âm ẩm dội lên từ ngực chàng. Hoàng Tử cau mày, dù cố gắng nén cơn đau, nhưng vẫn không sao kìm được mà ho ra một vũng máu. Tên cận thần cũng vội vàng đứng dậy đỡ lấy chàng.

“Sức khỏe của Hoàng Tử sẽ sớm hồi phục khi tìm thấy Người Đá. Thần vẫn đang tìm kiếm gã ta. Nhưng theo bài đồng dao của đám trẻ, thần tin rằng, chỉ cần chúng ta tới dãy Sừng Hươu, ta chắc chắn sẽ tìm được gã.”

“Được.” Hoàng Tử quệt đi vệt máu trên miệng. Chàng xoay chiếc nhẫn vàng để trống phần khảm đá, híp mắt, nhìn về phía sương mù đằng xa. “Chuẩn bị ngựa, chúng ta sẽ vượt qua dãy Sừng Hươu trong ngày mai.”

***

Đá tới Nhà Tù.

Thật tình Đá không chắc đây có phải Nhà Tù thật không. Trước mặt Đá chỉ là một thung lũng, một thung lũng giáp với dãy núi Sừng Hươu cùng với với một triền đồi thấp không tên. Không có người cai ngục, cũng không có tù nhân nào ở đây. Điều kỳ lạ là… Đá tư lự nhìn những mặt dây chuyền, những đồ vật bình trà, khung ảnh nằm la liệt rải rác khắp vùng đất. Nếu chúng bẩn thỉu, và hôi thối thì nơi này chẳng khác nào một bãi rác. Tuy nhiên, tất cả mọi vật đều sạch sẽ và trông mới tinh. Không có nhà dân nào ở đây cả. Đá nhìn lần nữa về phía bên trái mình. Thứ vật sống duy nhất chỉ là một cô gái - một cô gái đứng trong lồng giam bằng sắt.

“Đừng có nhìn tôi chằm chằm như thế.” Cô gái đó có mái tóc đỏ rực dài đến ngang lưng, đôi mắt xếch như loài cáo hoang, và khuôn miệng kiêu kỳ. Ánh nắng đổ trên chiếc váy trắng lem bẩn dài đến đầu gối của cô.

“Xin chào… Cô có cần giúp gì không?”

Ngay khi Đá chậm chạp tính lại gần, người con gái đứng từ trong lồng đã giơ lên một chiếc chìa khóa. Tiếng lạch cạch trong ổ vang lên và liền kề đó cánh cửa nhà giam đã được mở ra.

“Tôi không phải tù nhân.” Cô gái nhìn Đá bằng ánh mắt hằn học. Nói xong, cô nàng tự động đóng lại cửa và ngồi quay lưng với Đá.

Đá không hiểu cô gái lắm, càng không hiểu vùng đất này. Thực ra từ lúc có ý thức, vô số chuyện Đá không sao hiểu được, những điều này dù sao cũng chỉ là một trong số đó. Không việc gì phải bận tâm, thứ Đá cần tập trung bây giờ là: Đá phải về với núi.

Vì thế, Đá bỏ lại cô gái, tiếp tục lăn qua thung lũng, đi qua những cây đại thụ mọc đằng Tây, để tiến tới chân núi Sừng Hươu. Ấy vậy, dù có làm cách nào, Đá cũng không sao đến núi dù đã nhìn thấy chân núi ngay trước mặt. Tựa như có một bức tường chắn vô hình chặn ở đó khiến Đá càng cố tiến lên thì lại càng bị bật ra xa. Không thể làm gì, Đá đành quay trở lại nơi cô gái tóc đỏ đứng ban nãy.

“Cô ơi…” Đá lên tiếng, rồi không dám mở miệng tiếp vì cái liếc mắt sắc lẻm đang ném cho mình. “À… Làm phiền cô cho tôi hỏi đây là chỗ nào?”

“Thung lũng cho đồ bỏ xó.”

“À… Vậy cô là…?”

“Tôi là ai thì liên quan gì tới anh?”

Đá chớp mắt nhìn cô gái, rồi Đá cúi đầu.

“Xin lỗi cô.”

Vậy ra, nơi này không phải Nhà Tù như con mèo hoang nói, đây chỉ là thung lũng cho đồ bỏ xó thôi. Nhưng rốt cuộc, Đá phải làm sao để tới được núi đây?

“Cô ơi…”

“Gọi cái gì mà lắm thế? Tôi chưa lấy một cắc nào của anh đâu nhé.”

“Ngại quá, tôi không có tiền trả cho cô.”

“Ai bảo anh là tôi đòi tiền anh?”

Đá cảm thấy mình đang đúng, nhưng đột nhiên nói một hồi, không hiểu sao Đá lại thấy mình là người sai. Đá chậm chạp cúi đầu.

“Xin lỗi cô.”

Bất chợt cô gái tóc đỏ phá ra cười thích chí, mặc cho Đá vẫn ngây ngốc đờ đẫn không hiểu chuyện gì xảy ra. Mãi sau cô ta mới hếch mặt, hỏi lại Đá.

“Thế anh muốn hỏi gì?”

“Cô có biết làm thế nào để đi tới dãy Sừng Hươu hay không? Tôi thật sự rất cần tới chân núi.”

“Đá phải về với núi.” Cô gái lẩm bẩm. “Phải chứ?”

Đá gật đầu thay cho lời đáp.

“Tôi chưa bao giờ rời khỏi lồng giam. Tôi không biết. Mà hơn cả, không có ai tới đây chỉ để về núi giống anh. Họ đi tìm những thứ họ từng bỏ xó.” Cô gái hất mắt ra xung quanh. “Nhưng chẳng ai còn nhớ nổi là họ bỏ xó cái gì. Cứ đi thẳng hướng Tây Nam, cách năm dặm bộ hành, anh sẽ thấy một ngôi làng. Người làng đó vốn là những người tới đây tìm thứ mình làm mất. Trong lúc tìm cách tới núi, nếu đói, anh có thể xin họ thức ăn. Đó là những người hiếu khách. Tôi chỉ giúp được vậy thôi.”

“Thành thật cảm ơn cô.” Đá lại cúi đầu lần nữa.

Lần này cô gái tóc đỏ không buông lời nào nữa. Cô nhắm mắt, dựa đầu vào nan lồng giam, dường như đã chìm vào giấc ngủ.

***

Theo hướng người con gái tóc đỏ chỉ, Đá đi tới ngôi làng của những người sống ở đây.

“Chà, một anh chàng Người Đá. Từ trước tới giờ, Già chưa bao giờ thấy trần đời có người như anh. Còn chuyện tới chân núi thì anh cứ yên tâm, ngày mai già sẽ nhờ người dẫn anh tới đó.”

Già Làng khẽ rung đùi thích chí. Ánh lửa đỏ nơi gian nhà chung của làng nhảy múa trên gương mặt khắc khổ của Già. Một gương mặt dài, gò má cao, làn da nâu sạm màu, và thứ đặc biệt thu hút Đá: Hốc mắt của Già chỉ là hai lỗ trống đen ngòm. Mà không chỉ Già, toàn bộ những người trong làng đều có tình trạng tương tự. Nhưng lạ kỳ thay, họ hoàn toàn không có cản trở nào của việc không có mắt như người bình thường.

“À…” Đá nâng tay, chậm chạp gãi má. “Không biết…” Đá ấp úng. “Cháu hỏi một điều được không ạ?”

Già Làng ngẩng lên nhìn Đá gật đầu thân thiện.

“Già… Già có nhìn thấy… nhìn thấy cháu không ạ?”

“Trời!” Già Làng bật cười. Tiếng cười giòn và khoái trá vang lên trong căn phòng làm từ gỗ sồi. “Ta già nhưng đâu có mờ mắt. Ta vẫn thấy anh.” Nói rồi, Già Làng vỗ lên vai Đá. “Hẳn anh mệt rồi. Nếu…”

“Già ơi, cháu có thể hỏi thêm một câu nữa được không ạ?”

“Anh cứ hỏi tự nhiên.”

“Thung lũng của đồ bỏ xó có một cô gái tóc đỏ ở trong lồng giam. Không biết Già có biết gì về cô gái đó không ạ?”

“Thung lũng của đồ bỏ xó ư?” Già Làng đột nhiên ngẩn ra. “Ở đây là thung lũng Nhà Tù.” Già đột nhiên hướng mắt ra ngoài cửa. “Phía anh đi tới làng của chúng tôi, ở đó chỉ có một tòa lâu đài mà thôi. Một tòa lâu đài mọc đầy gai tạo thành rào chắn mới xuất hiện gần đây. Xứ Pia chúng tôi đồn rằng đó là nơi nàng Công Chúa bị phù phép đang ở. Nhưng dầu có làm thế nào, lính canh cũng không thể vào được tòa lâu đài để chứng thực điều đó. Công Chúa thì vẫn đang mất tích.”

Già để lửng lơ câu chuyện của mình. Đá không biết ánh nhìn của Già đang đặt ở đâu, nhưng dường như Già đang suy tư và tư lự điều gì. Phía ngoài gian nhà chung bập bùng củi lửa, bài hát đồng dao của đám trẻ văng vẳng khi gần khi xa.

“Đá lăn về núi

Cá bơi về nguồn

Chim sẻ bay đi

Hạt mầm ở lại

Công Chúa biến mất

Hoàng Tử đi tìm

Băng sáu ngọn đồi

Lội mười con suối

Người người nghe nói

Một nụ hôn trao

Ngàn sao tan chảy.”
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Tôi hỏi gã rằng gã sẽ đi đâu. Gã duỗi chân, ngả người tựa vào chiếc ghế ngay cạnh tôi, đáp nhẹ tênh:

- Đi kiếm xăng.

Nhận được câu trả lời vốn đã biết từ trước, tôi không nói năng gì nữa. Cần câu gác giữa hai đứa vẫn không một khẽ rung, chỉ im lìm bóng phao đậu lờ mờ trên mặt nước. Gã có vẻ chán, bồn chồn lấy một điếu, châm lửa. Đến khi thuốc của gã sắp tàn, tôi cũng làm một điếu với gã. Đốm lửa cháy sắp tàn của gã liếm trên đầu lọc mới. Tôi rít một hơi, bao giờ loại gã dùng cũng nhẹ và thơm hơn của tôi.

- Thế là quyết rồi đấy.
- Ừ.

Tiếng con chim se sẻ nào văng vẳng giữa khung trời xanh biếc đầu thu. Trời không có nắng mấy, gió rì rào vọng giữa những tán sấu già. Tôi cố lần theo tiếng hót tìm ra cánh sẻ, nhưng ngó nghiêng mãi cũng không lần ra. Chốc, tôi bỏ cuộc, quay về phía gã, không nói năng gì vỗ hai cái lên vai gã. Gã bật cười trong khi ném cho tôi một cái nhìn khó hiểu.

- Nay mày làm sao đấy? Tao đi làm thôi mà, có phải nhập ngũ đâu mà mày làm như đưa đám thế?

Tôi không hưởng ứng câu đùa của gã vì bận thu cần. Có vẻ cá đã đớp mồi và bơi đi mất. Nhấc cần lên thì phao đã trống không. Tôi hơi hụt hẫng, móc thêm một miếng mồi vào móc câu, tiếp tục chờ đợi. Xong xuôi, tôi quay sang tiếp tục nói chuyện với gã.

- Mày chắc chứ?

Tôi nhìn gã dò xét, cố tìm một biểu cảm nào khác lạ trên gương mặt gã. Chỉ là, lúc này gã nổi sùng và gắt ngược lại tôi.

- Mày muốn nói cái gì? Nói thẳng ra, úp úp mở mở tao đếch hiểu mẹ gì đâu.

- Không. - Tôi mở lớn mắt, vội vàng phân bua. - Tao... - Tôi ngừng một lát. - Chỉ cảm giác mày đang không ổn thôi. - Tôi cố gắng nói chậm lại.

- Làm gì... có.

Gã nói nhỏ dần. Tôi lại nghe tiếng loạt soạt. Gã rút bao bên túi quần trái. Mùi thuốc dập dờn quanh mũi tôi. Gã nghiện nặng hơn tôi nghĩ.

- Tao không biết. - Gã mở lời ngắt giữa khoảng im ắng của chúng tôi. - Tao không biết nữa. Tao không biết tao cảm thấy thế nào. Nhưng không phải tao không có cảm xúc, mà là... - Gã rít một hơi. - Nếu có thì sao? - Gã lại ngừng lại. - Đâu thay đổi được chuyện gì đâu? Tao đã tốn cả đống thời gian chọn con đường này, con đường tốt nhất này. Câu hỏi của mày chỉ tổ khiến tao bối rối hơn thôi. Nên là,... - Gã thở hắt ra một hơi khó chịu. - Đừng có dùng cái kiểu chất vấn đấy với tao. Nó khiến tao cảm thấy mọi điều tao cố gắng chẳng là cái chó gì cả.

Tôi biết mình cần phải nói lời xin lỗi, nhưng mọi thứ cứ tắc nghẹn ở họng. Sự bực dọc của gã hơi khiến tôi tự ái, dẫu sao tôi cũng không phải có ý xấu nào.

- Không phải lỗi mày, không cần xin lỗi. - Không kịp để tôi nói, gã đã cướp lời tôi. - Nhưng đừng có dùng giọng đấy với tao. Tao đấm thì đừng trách.

Tôi bật cười huých vào tay gã.

- Thách!

Gã khẽ hếch cằm nhìn tôi, cười nham nhở. Chốc gã lại thở dài một hơi.

- Tao nghĩ mày nên nghĩ sớm. - Khi tiếng cười nhạt dần tôi mới tiếp lời. - Về mày. Tao nghĩ không phải không thay đổi được gì đâu. Nhân khi mọi chuyện còn chưa rắc rối lớn nào, thì mày nên nghĩ sớm. Rõ ràng mày đang không ổn đấy. Không sớm thì muộn...

- Tuần sau mày vẫn đi câu chứ? - Gã bất giác hỏi ngược tôi, cắt đứt câu chuyện.

- Chắc vậy.

- Ừ, chờ tới lúc ấy.

Cần câu vẫn gác giữa chúng tôi, không một khẽ rung. Tôi duỗi người, tựa vào ghế, ngẩng đầu nhìn lên, nhưng không cố lần theo cánh sẻ nào nữa. Tôi nhắm mắt lại, để mặc cho tiếng gió rì rào ôm trọn lây mình.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Milia loay hoay tìm một mảnh ghép trong bộ đồ chơi xếp tranh của mình. Cô vốn đã ghép được một nửa bức, và hiện, đang mắc kẹt lại ở đoạn nằm ngay chính giữa khung hình. Dù đã mò cả tiếng mà Milia vẫn không lần ra. Vốn dĩ bộ xếp hình cũng nằm ở mức khó, cả bức chỉ có độc một màu xanh lá, chia thành tám nghìn mảnh nhỏ hình dạng khác nhau. Thành thử, chuyện Milia, hay bất kể một ai, tìm không ra cũng là chuyện bình thường. Chỉ là, Milia đã thử hơn hai lần, và tới lần thứ hai, cô còn rút kinh nghiệm, cẩn thận đánh dấu những mảnh ghép mình đã ghép thử để tránh nhầm lẫn. Vậy mà, cô vẫn không thể tìm ra mảnh mình đang thiếu.

Milia chống tay, chán nản nhìn đống mảnh ghép vương vãi khắp sàn nhà. Cũng có thể cô đã làm mất một mảnh, hoặc ngay từ đầu, bộ đồ chơi đã thiếu một mảnh. Milia quyết định đếm lại lần thứ ba, dù đã hơi nản lòng. May mắn thay, ở lần này, cô đã có câu trả lời. Trước mặt cô hiện tại quả nhiên chỉ có bảy ngàn chín trăm chín mươi chín miếng. Miếng thứ tám nghìn bị thiếu có lẽ chính là miếng Milia đang cất công đi tìm.

Tiếng cào móng bên ngoài cửa ra vào khiến Milia bất giác nhìn lên đồng hồ. Đã chín giờ hơn rồi. Milia nhanh chóng đứng dậy, đi về phía cửa. Tiếng cọt kẹt của bản lề đã gỉ sét từ lâu.

  • Thật là lề mề. - Một con mèo hoang thong thả len qua khoảng cửa mở, bước vào trong. Lông nó đen bóng và hai con mắt to cộ màu hổ phách. - Cô nên bớt làm những chuyện tốn thời gian này đi.
Milia cười xòa, nhìn con mèo vẫn thường tới nhà mình tá túc ngủ đêm. Có một bí mật của Milia, rằng cô có thể giao tiếp được với loài mèo.

Lúc này, Milia đã trở lại chỗ ngồi trước tranh xếp hình của mình, trong khi con mèo mun nhảy lên chiếc ghế bập bênh độn đệm rất êm gần sát cạnh đó.

  • Thiếu mất một mảnh, Sia ạ. - Milia thì thào.
  • Biết rồi. - Con mèo uể oải gác đầu lên chân trước. - Tôi còn biết ai là người lấy cắp nữa cơ.

  • Sao lại… - Milia ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn Sia. Có người lấy cắp ư?
  • Cuối tuần trước rồi. Một người đàn ông, cao gần bằng cửa ra vào. - Sia vẫn nhắm mắt, nhưng ngừng lại một chút, như đang cố tưởng tượng lại. - Ông ta đi vào nhà bằng cửa trước, rõ ràng cửa hôm đó không khóa. Tôi chẳng nghe thấy tiếng lọc xọc phá khóa nào. Ông ta đi vào nhà rất điềm nhiên. Cô không cất bộ xếp tranh hôm đó, đúng chứ? Tôi nhớ ông ta đã nhón lấy một miếng và bỏ vào túi áo. Chỉ hơi kỳ lạ là người đàn ông đó không trở ra bằng cửa ra vào. Ông ta bước vào trong kia. - Sia mở mắt, hếch đầu về phía chiếc máy tính đang mở đặt trên bàn. - Ông ta… - Sia dừng lại. - Chui vào trong đó. Trước hết là đầu, có vẻ vì thân trên to lớn nên đã mất một lúc để chui vừa. Rồi thì mọi thứ biến mất.

Milia mở lớn mắt, trân trân nhìn về phía màn hình máy tính. Chuyện này… Là thật sao? Sia đâu phải kẻ thích đùa.

  • Tại sao cậu không nói sớm hơn chứ?
  • Cô đâu có hỏi. - Con mèo hoang thờ ơ đáp lời. - Dù sao cũng chỉ là một mảnh ghép. Biết đâu hắn tiện tay nhặt lên.
  • Không, không, vấn đề là. - Milia nuốt nước bọt. - Hắn ta là ai? Và vì sao mà hắn…
  • Nếu biết thì cô sẽ đuổi theo hắn ư, Milia?

Milia có chút khựng lại. Tuy vậy, rất nhanh, cô nhìn thẳng vào đôi mắt hổ phách của Sia, dứt khoát đáp lời.

  • Có lẽ là không. Nhưng ít nhất, tôi sẽ có người để đổ lỗi cho việc bức tranh không hoàn chỉnh này.
 

Chanh30

Gà BT
Tham gia
13/8/18
Bài viết
1.003
Gạo
26,0
Re: Ấp tập viết
Ánh phóng xe đuổi theo mảnh trăng non giữa lúc hoàng hôn sắp tàn. Tiếng xe ì ùng bên tai và chẳng có lấy một giọng nói lọt qua những tạp âm ồn ã. Đôi ánh mắt tò mò nhìn theo khi Ánh đột ngột dừng xe. Ánh rút điện thoại từ trong túi quần, cố bắt một tấm ảnh bên trái là trăng, bên phải là mặt trời. Góc chụp không đủ rộng, nên Ánh đổi sang quay. Cả thước phim những ánh đèn xe cứ nhá nhem nhòe mờ, cũng bởi điện thoại Ánh đã cũ. Không ưng ý lắm nên Ánh nhanh chóng cất điện thoại, phóng xe rời khu chung cư.
Gió chiều lùa qua tóc và cái man mát lấp lửng bên ngoài khẩu trang. Ánh vốn thích thế. Thích cả việc nhìn lên trên cao thật cao, nhìn những tán cây đổ bóng lên khung trời, nhìn mây đổi màu trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Nhưng không hiểu sao, niềm vui ấy giờ đây rất xa với Ánh. Như thể có một tấm kính ngăn ở đó. Ánh biết mình đang vui, nhưng cũng đồng thời không thật sự cảm thấy điều ấy. Cảm xúc của Ánh bằng cách nào đó, như thể đã đứt một mắt xích nào với Ánh mà Ánh không hề hay.
Thật ngớ ngẩn khi nói thế. Ánh biết. Nhưng Ánh chẳng còn có cách nào để giải thích rõ hơn. Ánh cảm tưởng mình như một hòn đá trên một khe suối nào. Ánh cứ ngồi đó, suối cứ chảy, gió cứ thổi, hoa nở, hoa tàn, đông rồi lại xuân rồi lại thu. Chỉ còn độc một mình Ánh im lìm. Ánh cứ muôn đời ở đó, bất di bất dịch. Ánh không đi được. Ánh không lăn được. Vì đời Ánh đã quyết, Ánh chỉ là một hòn đá.
Đôi khi Ánh nghĩ, một lúc nào đó sức nước sẽ đẩy Ánh đi, biết đâu đấy, Ánh sẽ chảy về đâu đó, Ánh sẽ qua một con sông khác, một bờ biển khác, biết đâu đó hòn đá sẽ hóa người. Nhưng mở mắt, Ánh vẫn thấy mình quay lại bên cạnh con suối này. Ánh vẫn không đi được.
Ánh không chê phận hòn đá. Cũng chẳng chê nắng không đẹp, nước không trong, chỉ là Ánh biết mình không muốn im lìm nằm cạnh một khúc sông.
Xe vẫn phóng trên con đường Ánh chẳng cần nhìn để lần lối đi. Hoàng hôn đã tắt hẳn, trăng sáng rỡ trên nền trời xanh thẫm. Ánh nhìn trăng, nhìn dòng người ngược chiều hối hả, trong một lúc, đột nhiên cảm thấy không biết mình đang ở đâu, hay đã đi tới đoạn đường nào.
 
Bên trên